Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN ngày 14/9, Giáo sư Phan Kim Nga, chuyên gia Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (TQ), nhận định môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam trong vài năm qua đã có nhiều cải thiện. Điều này được thể hiện qua một số khía cạnh như: Việt Nam đã tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, hoan nghênh các nước đầu tư vào Việt Nam; môi trường đầu tư vào Việt Nam trong vài năm qua đã được nâng cao.
Về mặt chính sách và thủ tục hành chính cũng có nhiều cải thiện, nhất là từ khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhậm chức đã tổ chức nhiều hội nghị, ban hành 2 quyết định về việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp. Ngoài ra, Giáo sư Phan Kim Nga đánh giá Việt Nam có nhiều tiềm năng về lĩnh vực đầu tư kinh doanh, trong bối cảnh Việt Nam đang và sắp tham gia nhiều Khu vực Thương mại Tự do, tỷ lệ dân số trẻ cao, giá nhân công rẻ, người dân Việt Nam lại rất cần cù. Đây là những điều kiện hết sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Đánh giá về triển vọng quan hệ hợp tác kinh tế thương mại Việt – Trung trong thời gian tới, Giáo sư Phan Kim Nga cho rằng ban lãnh đạo mới của Việt Nam rất tích cực thúc đẩy phát triển quan hệ Việt – Trung, đặc biệt là quan hệ thương mại và điều này có lợi cho sự phát triển quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước trong tương lai. Đối với Trung Quốc, vài năm qua doanh nghiệp Trung Quốc ngày càng quan tâm đến thị trường Việt Nam và đây cũng là yếu tố tích cực cho quan hệ thương mại song phương.
Ngoài ra, mặc dù vài năm qua tình hình kinh tế thế giới ảm đạm nhưng kim ngạch thương mại Việt – Trung lại không ngừng gia tăng, điều này cho thấy tiềm năng hợp tác giữa hai nước là rất lớn. Vừa qua khi hội kiến với lãnh đạo cấp cao Trung Quốc, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đưa ra dự báo về quan hệ thương mại song phương, trong năm 2016 hoặc năm 2017, kim ngạch thương mại song phương có khả năng đạt 100 tỷ USD. Theo thống kê của phía Trung Quốc, trong năm 2016 kim ngạch thương mại song phương có thể sẽ đạt được mục tiêu này.
Bên cạnh đó, hợp tác tài chính tiền tệ giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng rất quan trọng. Việc thanh toán thuận tiện sẽ tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước. Đầu tư của Việt Nam vào Trung Quốc hiện nay còn rất khiêm tốn, nhưng phía Trung Quốc cũng rất hoan nghênh Việt Nam đầu tư sang Trung Quốc, nhất là đầu tư vào khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới.
Theo bà Phan Kim Nga, để thu hút đầu tư trong những lĩnh vực mà hai nước quan tâm, chính phủ hai nước cần nhấn mạnh quan hệ hai nước sẽ phát triển theo chiều hướng tốt đẹp trong tương lai. Các bộ ngành hai nước cũng cần có sự kết nối về chính sách cụ thể, cho biết các doanh nghiệp, lĩnh vực nào của Trung Quốc phù hợp đầu tư vào Việt Nam, Việt Nam cần thu hút những doanh nghiệp đầu tư thế nào.
Thêm vào đó, các tỉnh giáp biên hai nước cần tăng cường tổ chức các cuộc giao lưu đối thoại về môi trường đầu tư. Chính phủ hai nước cũng cần ban hành một số chính sách để định hướng dư luận, môi trường xã hội nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ hợp tác giữa hai bên. Như vậy, người dân hai nước sẽ cảm nhận được sự đầu tư lẫn nhau có lợi cho sự phát triển của quan hệ hai nước và cũng đem lại lợi ích thiết thực cho bản thân họ. Ngoài ra, hai bên cần tăng cường khuyến khích việc nghiên cứu học thuật giữa hai bên nhằm đưa ra những tư vấn, khuyến nghị tốt hơn về chính sách cho doanh nghiệp đầu tư, môi trường đầu tư.