Trong bối cảnh thị trường Trung Quốc vẫn tiềm ẩn nhiều điều khó đoán định, các công ty đang áp dụng chiến lược đa dạng hóa đầu tư sang các nước khác trong khu vực. Do đó, tâm lý lạc quan chung đối với thị trường châu Á đang dâng cao, hứa hẹn một nửa đầu năm 2024 sôi động. Cơ sở để các nhà phân tích đưa ra dự báo trên là các chỉ dấu tích cực của 3 nền kinh tế.
Điển hình là Ấn Độ, chỉ số chứng khoán Nifty 50 đã tăng 20% trong năm 2023 và liên tục lập kỷ lục mới. Tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ dự kiến vượt các nền kinh tế lớn khác trong khu vực, đạt 6,3% trong năm 2024. Lợi nhuận doanh nghiệp mạnh mẽ, lãi suất dự kiến sẽ giảm và sự tham gia gia tăng của nhà đầu tư trong nước là những động lực chính. Cuộc tổng tuyển cử năm 2024 có thể sẽ là yếu tố biến động lớn.
Trong khi đó, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 28% trong năm 2023, dẫn đầu toàn châu Á. Kỳ vọng Ngân hàng Nhật Bản (BoJ - ngân hàng trung ương nước này) chấm dứt chính sách tiền tệ siêu lỏng sau nhiều thập kỷ lãi suất gần bằng 0 đang thúc đẩy thị trường. Các chuyên gia dự đoán Nikkei 225 sẽ đạt 37.500 điểm vào cuối năm 2024. Chỉ số này hiện giao dịch ở mức khoảng 33.464,17. Ngành công nghệ và ngân hàng được đánh giá là tiềm năng cao. Ông Masashi Akutsu, nhà chiến lược tại BofA Global Research cho biết ông kỳ vọng thị trường Nhật Bản sẽ tiếp tục phục hồi tốt trong năm 2024, đồng thời ghi nhận đầu tư nước ngoài gia tăng.
Việt Nam cũng được xem là điểm đến hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài. Tăng trưởng GDP dự kiến đạt 6% đến 6,5% trong năm 2024 nhờ xuất nhập khẩu mạnh mẽ và sản xuất tăng cao. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng hơn 14% so với năm 2022.
Giám đốc đầu tư VinaCapital Group, Andy Ho cho rằng hiện tại là thời điểm để các nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ông nêu rõ: “Trong 6 đến 12 tháng tới, Việt Nam sẽ là một thị trường tốt vì được định giá ở mức khoảng 11 đến 12 lần thu nhập cho năm 2023. Mức định giá đó thấp hơn khoảng 20% đến 25% so với mức trung bình của khu vực”. Cụ thể, ông cho biết khối lượng giao dịch trung bình hàng ngày ở Việt Nam đã tăng từ 500 triệu USD một năm trước lên khoảng một tỷ USD mỗi ngày hiện nay.
Trong khi đó, Tyler Nguyen, phó Chủ tịch kiêm người đứng đầu bộ phận bán vốn cổ phần tổ chức tại Maybank Securities Vietnam cho rằng các nhà đầu tư cũng nên lạc quan về lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam. Ông nói với CNBC: “Chúng tôi đang chứng kiến mức tăng trưởng 20-30% hàng năm”, đồng thời chỉ ra rằng thương mại điện tử chỉ chiếm 2-3% doanh số bán lẻ. Theo ông, ngành thương mại điện tử, tiêu dùng, y tế và bất động sản được đánh giá triển vọng.
Khi được hỏi về khả năng Việt Nam gia nhập danh sách các nền kinh tế thị trường mới nổi của MSCI - chỉ số chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (không tính Nhật Bản), ông này cho rằng có thể có tin tức tốt vào năm 2025.