Việc tập trung tái cấu trúc ngành hàng, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng hình ảnh và thương hiệu cá tra Việt Nam và tập trung phát triển các thị trường đang là các giải pháp được các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tập trung thực hiện nhằm tạo cơ hội bứt phá cho mặt hàng cá tra trong tương lai.
Thách thức cần giải quyết
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP): Xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long đang đặt ra vấn đề bức thiết cần giải quyết đối với ngành nuôi cá tra tại đây. Năm 2019-2020, hạn hán, xâm nhập mặn tại khu vực này đến sớm, nghiêm trọng hơn lịch sử năm 2015-2016. Từ đó, gây thiếu nước ngọt để giảm độ mặn, người dân lo ngại nhiệt độ, độ mặn tăng cao dễ phát sinh dịch bệnh, gây thiệt hại lớn nên xuống giống chậm.
Để giải quyết bài toán trên, Tổng Cục Thuỷ sản khuyến cáo cơ sở nuôi cá tra cần có biện pháp ứng phó khi xâm nhập mặn kéo dài, phức tạp; khuyến khích người nuôi, doanh nghiệp chế biến tham gia chuỗi liên kết, để sản xuất theo nhu cầu thị trường, tránh tình trạng dư nguồn cung cá nguyên liệu hoặc thiếu nguyên liệu phục vụ xuất khẩu.
VASEP cảnh báo: Truyền thông một số nước trong EU vẫn còn bôi nhọ hình ảnh cá tra, gây ảnh hưởng đến xuất khẩu. Trong khi đó hoạt động truyền thông giúp người tiêu dùng nhận diện, tin dùng sản phẩm cá tra Việt Nam vẫn chưa được đầu tư đúng mức. Từ đó, sản phẩm cá tra Việt Nam sau hơn 20 năm phát triển vẫn còn khá bấp bênh trên con đường chinh phục thế giới.
“Trong thế giới phẳng như hiện nay với sức lan tỏa của Internet và mạng xã hội đối với truyền thông bôi xấu rất nhanh. Các thông tin sai lệch sẽ không còn dừng lại ở một kênh truyền hình hay trong phạm vi địa lý cụ thể, mà sẽ truyền đi với tốc độ chóng mặt. Khi đó, dù thông tin đã được đính chính thì người tiêu dùng nhiều nơi sẽ không thể nghe thấy và vẫn bị tác động”, Tổng Thư ký VASEP, ông Trương Đình Hòe lưu ý.
Ông Trương Đình Hòe cho rằng: "Chúng ta cần phải đẩy mạnh hoạt động quảng bá cá tra Việt Nam trong và ngoài nước, truyền thông phải chuyên nghiệp, trực tiếp đến người tiêu dùng quốc tế, để xây dựng hình ảnh, gây dựng lại niềm tin về ngành cá tra Việt Nam đang là vấn đề hết sức cấp bách".
Theo Hiệp hội cá Tra Việt Nam, việc cải thiện chất lượng, hình ảnh sản phẩm cá tra và xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết. Chủ tịch Hiệp hội cá Tra Việt Nam, ông Dương Nghĩa Quốc cho rằng: Các địa phương, doanh nghiệp, vùng nuôi cần tập trung vào việc cải thiện chất lượng con giống, chất lượng cá tra nguyên liệu ở khâu nuôi gắn liền với việc cải thiện chất lượng môi trường; tăng cường áp dụng công nghệ mới vào công đoạn ương dưỡng cá giống; khuyến khích các doanh nghiệp có tiềm lực và nguồn lực tham gia chọn tạo, sản xuất cá tra bố mẹ; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường gắn với xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá tra chất lượng cao...
“Chúng ta cần tập trung phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế, củng cố hình ảnh, kênh bán hàng mới; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường gắn với xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá tra chất lượng cao, gắn với thực hiện đề án sản phẩm quốc gia làm lực đẩy cho Nghị định cá tra phát huy tác dụng”, ông Dương Nghĩa Quốc lưu ý.
Nâng chất lượng con giống
Theo Tổng Cục Thuỷ sản: Biến đổi khí hậu tác động trực tiếp đến ngành cá tra, nên việc đầu tư nguồn lực cho nghiên cứu, chọn tạo giống cá tra có khả năng sinh trưởng, phát triển trong điều kiện nước mặn là vấn đề cấp bách cần hành động. Các địa phương nuôi cá tra bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, cũng cần có cơ chế chính sách, giải pháp điều chỉnh quy hoạch vùng nuôi để ứng phó, hạn chế tác động của xâm nhập mặn đối với nuôi cá tra thương phẩm.
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng Cục Thuỷ sản cho rằng: Việc cần làm là nâng cao chất lượng con giống bằng cách tăng cường kiểm tra điều kiện và cấp giấy chứng nhận cơ sở sản xuất ương dưỡng giống cá tra theo quy định; đầu tư nguồn lực cho nghiên cứu, chọn tạo giống cá tra có khả năng sinh trưởng, phát triển trong điều kiện nước mặn; tiếp tục phát tán đàn cá tra bố mẹ được nâng cao chất lượng di truyền cho các trại giống.
Ngoài nâng cao chất lượng con giống, Chủ tịch Hiệp hội cá Tra Việt Nam, ông Dương Nghĩa Quốc cho rằng: Cần tập trung xây dựng dòng sản phẩm cá tra phi lê chất lượng cao, đa dạng hóa sản phẩm và phát triển dòng sản phẩm giá trị gia tăng.
“Chúng ta phải tập trung tái cấu trúc trúc ngành hàng cá tra, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng hình ảnh và thương hiệu cá tra Việt Nam và tập trung phát triển các thị trường có sẵn ở 4 thị trường như: Mỹ, EU, Trung Quốc, ASEAN với thị phần chiếm từ 50 - 60 %...”, ông Nghĩa nói.
Năm 2019, ngành hàng cá tra đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi sản lượng cá tra nuôi tăng nhanh từ năm 2018 dẫn đến dư nguồn cung, khiến giá cá tra nguyên liệu đã giảm mạnh từ cuối tháng 3 năm 2019, giá xuất khẩu giảm mạnh tại tất cả thị trường; giá nguyên vật liệu, nhiên liệu tăng, thị trường biến động do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Tổng Thư ký VASEP, ông Trương Đình Hòe cũng lưu ý: Việc tạo ra giá trị cộng thêm cho sản phẩm cá tra tạo sự khác biệt so với các sản phẩm cá thịt trắng khác là hết sức cần thiết vì giúp tăng tính cạnh tranh cũng như khiến người tiêu dùng chọn sản phẩm cá tra thay vì các sản phẩm khác.
“Các sản phẩm muốn tồn tại, phát triển lâu dài trên thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, giữa nhiều sản phẩm tương tự khiến người tiêu dùng còn đắn đo thì điểm nhấn của giá trị cộng thêm sẽ quyết định họ chọn lựa sản phẩm nào. Giá trị cộng thêm này vừa mang lại tính hữu ích cho sản phẩm, vừa cung cấp cho khách hàng nhiều lợi ích ngoài giá trị sản phẩm”, ông Hòe khẳng định.
Để ngành hàng cá tra phát triển ổn định, bền vững, theo Tổng cục Thủy sản cần đánh giá hiệu quả của một số chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ cá tra; nắm bắt các yêu cầu của các quốc gia nhập khẩu và kịp thời cung cấp thông tin cho địa phương, doanh nghiệp nuôi, chế biến xuất khẩu cá tra để có kế hoạch sản xuất phù hợp, đặc biệt đối với một số thị trường có tiềm năng như Ấn Độ…..
Theo ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang: Hiện việc tiếp cận thông tin dự báo chính thức về thị trường xuất khẩu sản phẩm cá tra, giá xuất khẩu, yêu cầu chất lượng sản phẩm chưa có. Điều này là thách thức thực sự đối với sản xuất, xuất khẩu cá tra trong việc hoạch định các kế hoạch trung và dài hạn.
“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương cần nghiên cứu, điều tra, dự báo nhu cầu thị trường tiêu thụ sản phẩm cá tra nội địa và xuất khẩu trong diễn tiến tình hình hậu dịch bệnh COVID-19; từ đó làm cơ sở cho các tỉnh định hướng phát triển sản xuất, xuất khẩu sản phẩm cá tra cho các tháng cuối năm 2020”, ông Thư kiến nghị.
Cần kế hoạch dài hơi
Để ngành hàng cá tra phát triển dài hơi, Tổng cục Thủy sản cho rằng cần xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử đối với chuỗi xuất khẩu - nhà máy chế biến - cơ sở nuôi, ao nuôi đã được cấp mã số nhằm minh bạch thông tin. Hệ thống truy xuất điện tử này của doanh nghiệp chế biến có thể kết nối với hệ thống quản lý ao nuôi của cơ quan quản lý thủy sản.
Ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp cho rằng: Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra cần thực hiện liên doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người nuôi nhằm ổn định nguồn nguyên liệu sản xuất. Song song đó, các bộ, ngành cần thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin về thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp, người nuôi có kế hoạch sản xuất phù hợp.
“Bên cạnh củng cố, duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống, cần tìm kiếm phát triển thêm các thị trường xuất khẩu mới, thay vì tập trung vào một số thị trường chính và tăng cường tiêu thụ ở thị trường tiêu thụ nội địa, nhất là các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên để cho cá tra có đầu ra, không lệ thuộc bất cứ thị trường nào”, ông Thiện lưu ý.
UBND tỉnh An Giang cũng kiến nghị các bộ, ngành liên quan cần có kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp thủy sản tổ chức các hội thảo chuyên đề quảng bá hình ảnh sản phẩm cá tra đến các lãnh đạo của châu Âu. Qua đó thay đổi nhận thức của người tiêu dùng châu Âu về sản phẩm cá tra của Việt Nam và giúp các doanh nghiệp xuất khẩu mở rộng phát triển thị trường tiềm năng này.
“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có chính sách bổ sung thay thế dần đàn cá tra bố mẹ được cải thiện di truyền về tốc độ tăng trưởng và kháng bệnh, để phân bổ cho các cơ sở sản xuất cá tra bột tham gia chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp giai đoạn 2021- 2025; Bộ cũng cần có giải pháp tổng thể chung cho quy hoạch và phát triển ngành cá tra cho Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2025 và có biện pháp xử việc phát sinh đào ao nuôi cá ngoài quy hoạch”, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang kiến nghị.
Ông Thư cũng đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm đề xuất Chính phủ ban hành Quỹ bình ổn giá đối với sản phẩm cá tra, vì đây là một trong những sản phẩm chiến lược của quốc gia, của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhằm giúp ngành hàng cá tra tránh được những tác động bất lợi của thị trường, đưa ngành hàng phát triển bền vững.
Tại hội nghị "Bàn về tình hình sản xuất, tiêu thụ cá tra trong bối cảnh dịch COVID-19” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức tại An Giang, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Việt Nam tự hào đã thuần hoá cá tra để trở thành ngành kinh tế về cá tra tỷ đô xuất khẩu đi hơn 119 nước. Tuy nhiên, sản lượng và xuất khẩu cá tra cộng lại các năm chưa tương xứng với tầm vốc vốn có.
Có nhiều nguyên nhân; trong đó giống là khâu quan trọng nhưng lại chưa đáp ứng yêu cầu; tổ chức thị trường còn nhiều lỗ hổng; chưa khai phá hết tiềm năng, lợi thế của thị trường xuất khẩu rộng lớn. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng khẳng định: Để đưa ngành hàng cá tra phát triển bền vững đúng với tên tuổi, thương hiệu cá tra Việt Nam đã và đang xây dựng, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long không mở rộng diện tích nuôi cá tra ồ ạt và mong muốn các địa phương ủng hộ chủ trương của bộ; đối với cá giống, phải làm bằng được giống cá tra ba cấp; trong đó có sự đồng hành của các doanh nghiệp lớn trong phát triển con giống….