Kết quả khảo sát hiện trạng mở rộng lĩnh vực bán lẻ tại 30 quốc gia đang phát triển trên thế giới của Hãng tư vấn A.T. Kearney mới đây cho thấy, Việt Nam nằm trong số các thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á; trong đó, Việt Nam xếp thứ 6 trong Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu vào năm 2017.
Người tiêu dùng mua sắm tại hệ thống Co.op mart (Saigon Co.op). Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN |
Điều này, cho thấy Việt Nam là một trong những thị trường hấp dẫn nhất đối với đầu tư bán lẻ. Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh của các nhà bán lẻ ngoại, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cần nắm bắt sự thay đổi của thị trường và có những định hướng để bắt kịp với nhịp độ thay đổi liên tục của thị trường.
Nhiều nhà bán lẻ ngoại thua lỗ Theo thống kê của Bộ Công Thương, giai đoạn 2011- 2017, mức tăng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng là 10%/năm, đạt hơn 3.234 nghìn tỷ đồng vào năm 2017. Trong 5 tháng đầu năm 2018, tổng mức bán lẻ ước đạt hơn 1.752 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2017.
Hiện đã có nhiều đại gia bán lẻ nổi tiếng thế giới có mặt tại Việt Nam khiến cạnh tranh trong lĩnh vực này trở nên gay gắt hơn. Cụ thể như Family Mart (Nhật Bản) có 130 cửa hàng tại Việt Nam và dự kiến sẽ mở thêm 700 cửa hàng nữa đến năm 2020. Hay 7-Eleven đã vào Việt Nam vào tháng 6/2017 cũng lên kế hoạch sẽ mở 100 cửa hàng trong 3 năm tới và 1.000 cửa hàng trong 10 năm tới.
Trong khi đó, GS25 (Hàn Quốc) đã ra mắt cửa hàng đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh vào cuối năm 2017. Công ty này dự kiến sẽ mở 2.500 cửa hàng trong vòng 10 năm tiếp theo. Takashimaya (Nhật Bản) có kế hoạch mở một cửa hàng 15.000 m2 tại TP Hồ Chí Minh…
Tuy nhiên, ngược với sự phát triển ồ ạt trên, thời gian gần đây một số “đại gia” ngoại quốc trong ngành bán lẻ lại liên tục báo lỗ. Theo báo cáo của Lotte Việt Nam, tính đến cuối năm 2017, Lotte Mart lỗ lũy kế gần 800 tỷ đồng. Mặc dù vậy, kế hoạch của Lotte là khai trương tại thị trường Việt Nam 60 trung tâm thương mại đến năm 2020 và sẽ bắt đầu có lợi nhuận.
Tương tự, Parkson cũng chính thức công bố lỗ liên tiếp và đóng cửa 4/10 trung tâm thương mại tại thị trường Việt Nam. Trước đó, Metro Cash & Carry cũng liên tục báo lỗ với lũy kế âm tới gần 600 tỷ đồng. Sau khi chuyển nhượng toàn bộ hệ thống kinh doanh cho Tập đoàn TCC (Thái Lan) đầu năm 2016, chuỗi bán sỉ này đã thay đổi nhận diện thương hiệu và đổi tên thành MM Mega Market. MM Mega Market vẫn giữ nguyên 19 trung tâm mà Metro sang nhượng lại, chưa có động thái mở rộng thêm.
Lý giải tình trạng thua lỗ kéo dài, các nhà bán lẻ này cho biết, mỗi trung tâm mới khi đi vào hoạt động cần trung bình từ 5 - 8 năm kể từ ngày khai trương để đạt được điểm hòa vốn. Với tình hình cạnh tranh gay gắt như hiện nay, doanh nghiệp phải chi nhiều cho các hoạt động mặt bằng, khuyến mãi, quảng cáo, ưu đãi, dịch vụ... nhằm tạo lợi thế cạnh tranh, thu hút khách hàng.
Chạy đua cùng xu hướng mới Trong bối cảnh hiện nay, ngành bán lẻ đang đối mặt với nhiều thách thức. Sự phát triển mạnh mẽ của loại hình thương mại điện tử cũng là mối đe doạ lớn khi ngày càng có nhiều trang bán hàng online với chủng loại hàng hóa đa dạng, tiện lợi như Shopee, Sen đỏ, Lazada...
Theo nghiên cứu của CBRE Việt Nam (ghi nhận ý kiến khoảng 1.000 người tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội) mới đây cho thấy, 25% số người tiêu dùng được khảo sát dự định sẽ giảm tần suất mua sắm tại cửa hàng thực tế, trong khi 45 -50% cho rằng, sẽ mua sắm trực tuyến thông qua máy tính hay điện thoại thường xuyên hơn trong tương lai.
Bên cạnh đó, các mô hình bán lẻ cũ nếu không được nâng cấp sẽ mất dần khách hàng. Theo CBRE, môi trường bán lẻ đang dần trở nên cạnh tranh hơn, đòi hỏi các nhà bán lẻ phải nâng cao các tiêu chuẩn, kiểm định chất lượng, đối sách cạnh tranh và kế hoạch chiến lược.
Theo ông Troy Griffiths – Phó Giám Đốc Điều hành Savills Việt Nam, ngành bán lẻ tại Việt Nam đang trải qua quá trình biến chuyển và tiến hóa mạnh mẽ với hàng loạt sản phẩm mới xuất hiện trên thị trường, nhiều trung tâm mua sắm mọc lên với những thiết kế thời thượng, đẹp mắt.
Bán lẻ đang thay đổi từng ngày và điều này cũng ảnh hưởng khá lớn đến hành vi tiêu dùng. Trong thời gian tới, người tiêu dùng sẽ còn có dịp chứng kiến rất nhiều những mô hình bán lẻ mới, với những tiện ích hiện đại phục vụ tối đa nhu cầu trải nghiệm, giải trí lẫn sáng tạo.
Thêm vào đó, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam cũng đang lớn mạnh cùng sự phát triển công nghệ thông minh. Sự kết hợp gần đây của nhiều nhà bán lẻ truyền thống và các sàn thương mại điện tử cũng là một câu trả lời cho việc thích ứng, thay đổi nhằm hướng đến một mô hình bán lẻ phù hợp với thời đại và người tiêu dùng.
Do đó, đối với những nhà bán lẻ nước ngoài muốn tham gia vào thị trường Việt Nam, nếu họ không chú ý đến những tiềm năng từ thị trường cũng như sự năng động từ kết cấu dân số trẻ và đặc biệt là thói quen sử dụng điện thoại thông minh thì rất đáng tiếc. Việc am hiểu khách hàng, nhất là người tiêu dùng tại Việt Nam, vốn là một điều không dễ dàng. Vì thế sân chơi bán lẻ ở Việt Nam không dành cho những ai chỉ chú trọng vào sự màu mỡ của một thị trường đang lên, yếu tố quyết định còn là thói quen và hành vi tiêu dùng.
Việc các thương hiệu nước ngoài tham gia vào thị trường cũng là một tín hiệu khả quan, bởi sự kết hợp này sẽ tạo nên sự thay đổi, sự phong phú cho môi trường bán lẻ và người tiêu dùng Việt Nam. Nhưng các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước có thế mạnh “sân nhà” cần phải có sự chuyển đổi mạnh mẽ. Đừng bỏ quên nét văn hóa đặc trưng và các sản phẩm bản địa mà cần hiểu rõ hơn về chính sản phẩm của mình, đây chính là điều tạo nên sự khác biệt đối với các thương hiệu quốc tế.