Đây là cơ hội để phía Australia hiểu rõ hơn về hiện trạng ngành năng lượng Việt Nam và để các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt khả năng hợp tác với đối tác Australia.
An ninh năng lượng hiện là ưu tiên của cả hai Chính phủ Australia và Việt Nam. Hai nước đều đang cùng nhau phát triển mỗi quan hệ kết nối trên phương diện ngành công nghiệp, giáo dục đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực năng lượng.
Đến với diễn đàn này, Australia có 16 cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp, đại biểu cho chuỗi cung ứng năng lượng bao gồm: các nhà cung cấp than, dịch vụ tư vấn và đào tạo về kỹ thuật năng lượng, công nghệ chế biến than, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ cảng. Các đại biểu cũng chia sẻ với đối tác phía Việt Nam về kinh nghiệm và công nghệ mới nhất trong ngành năng lượng.
Bà Janelle Casey, Tham tán Thương mại - Cơ quan Thương mại và Đầu tư Australia (Austrade) tại Việt Nam cho hay: “Chúng tôi tin tưởng thế mạnh của Australia về năng lực sản xuất than phát thải thấp và khí hoá lỏng LNG, công nghệ tiên tiến về năng lượng mới sẽ góp phần vào phát triển năng lượng, tăng trưởng kinh tế của Việt nam. Thông qua diễn đàn này, hai bên sẽ hiểu rõ hơn về các cơ hội, tim kiếm hợp tác mới, tăng cường liên kết năng lượng và thương mại, đầu tư”.
Australia có giải pháp hoàn chỉnh và tiên tiến cho chuỗi cung ứng than. Công nghệ khai thác than ở Australia ngày càng được cải tiến và ứng dụng công nghệ cao. Sự cải tiến liên tục về công nghệ khai thác mỏ, về sức khoẻ nghề nghiệp, sự an toàn và hiệu suất môi trường đảm bảo rằng Australia là một nhà sản xuất than nhiệt cũng như than cho luyện kim chất lượng cao cho thị trường quốc tế.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, những thế mạnh của Australia trong lĩnh vực than, khí, với các công nghệ mới phù hợp với nhu cầu của Việt Nam nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường. Vì vậy, tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa hai quốc gia là rất lớn. Diễn đàn là cơ hội tốt để Việt Nam hiểu rõ khả năng cung cấp, hợp tác của các đối tác Australia.
Báo cáo từ Bộ Công Thương cho biết, trong 15 năm trở lại đây, mức tăng trưởng điện năng thương mại đã liên tục tăng cao và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới. Nhu cầu điện năng cũng tăng nhanh với mức 13% trong giai đoạn 2006-2010 và 11% trong 5 năm gần đây. Dự kiến, ít nhất trong 10 năm nữa, nhu cầu điện năng sẽ tăng trưởng trên dưới 10%.
Để đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam đang chuyển đổi từ nước xuất khẩu năng lượng sang nhập khẩu năng lượng. Nếu như trước đây, Việt Nam từng xuất khẩu than lớn với đợt cao điểm lên đến 20 triệu tấn/năm, thì từ năm 2016 Việt Nam đã nhập khẩu gần 10 triệu tấn than.
Dự kiến, Việt Nam cũng sẽ phải nhập khẩu 17 triệu tấn than, chiếm khoảng 31% nhu cầu than cho phát điện vào năm 2020 và tăng mạnh hơn vào những năm sau đó. Đồng thời, Việt Nam cũng xem xét tăng cường nhập khẩu điện từ các nước láng giềng như Lào...