Cùng với việc mở rộng diện tích lúa nước và đã tự túc được lương thực những năm qua, người dân 3 huyện miền núi gồm: Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh có cơ hội vươn lên làm giàu từ cây mía.
Trước đây, khi chưa có các nhà máy đường, diện tích mía ở Phú Yên rất manh mún, năng suất thấp, chỉ 40 tấn/ha. Không chỉ vậy, thành quả của nông dân làm ra khó tiêu thụ, thậm chí phải đốt bỏ vì bị tư thương ép giá, tiền bán mía không đủ chi phí thu hoạch, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.
Gỡ nút thắt này, từ trước năm 2000, tỉnh Phú Yên kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy ở miền núi và đến nay đã có hai nhà máy đường tổng công suất ép hơn 12.000 tấn/ngày, đảm bảo tiêu thụ hết nguyên liệu mía của nông dân.
Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam đầu tư dây chuyền sản xuất đường tinh luyện tại hai nhà máy ở huyện Sơn Hòa và huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên). |
Nhờ vậy, nông dân Phú Yên ngày càng tự tin mở rộng diện tích. Nếu như trước đây diện tích mía chỉ hơn 6.000 ha thì hiện nay lên đến hơn 26.000 ha, chủ yếu ở các vùng miền núi; đồng thời năng suất bình quân cũng tăng lên 62 tấn/ha. Trung bình, mỗi héc ta mía đem lại thu nhập cho người dân từ 20 triệu đến hơn 30 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Một trong những minh chứng là Công ty TNHH công nghiệp KCP Việt Nam (gọi tắt KCP) đầu tư xây dựng 2 nhà máy đường tại huyện Sơn Hòa và Sông Hinh. Qua hơn 15 năm hoạt động, ngoài thành quả trong kinh doanh, KCP đã góp phần tăng trưởng kinh tế xã hội bền vững tại 41 xã thuộc vùng miền núi của tỉnh; đem lại thu nhập chính cho hơn 9.000 hộ nông dân trực tiếp ký hợp đồng với KCP, 630 lao động trực tiếp làm việc trong các nhà máy có thu nhập bình quân 5,3 triệu đồng/người/tháng và hàng nghìn nông dân làm dịch vụ nông nghiệp, vận chuyển mía.
Ông Hà Châu Ánh, một nông dân hiện đang sở hữu 72 ha mía ở xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa cho biết: “Nhà máy KCP thu mua theo cách vừa tính chữ đường, vừa bao tiêu toàn bộ để tránh tình trạng thua lỗ do chữ đường thấp. Từ đó bà con nông dân rất phấn khởi, yên tâm đầu tư thâm canh, mạnh dạn sử dụng các giống mía năng suất cao từ 80 tấn/ha trở lên”.
Niên vụ mía 2015 - 2016, ông Hà Châu Ánh bán cho Nhà máy đường KCP hơn 4.000 tấn mía nguyên liệu và hơn 700 tấn mía giống. Sau khi trừ toàn bộ chi phí ông Hà Châu Ánh có thu nhập gần 1,5 tỷ đồng.
Còn ông Võ Văn Út, một nông dân trồng mía xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa cho biết: “Việc thu mua mía được KCP bảo hiểm giá mía. Chính sách đầu tư của công ty hiện nay theo hướng rất ủng hộ bà con nông dân, được vay nhiều nguồn vốn của công ty nhưng không tính lãi. Như ngoài việc cung ứng đủ phân bón, công ty còn cho vay không tính lãi trong thời gian 3 năm đối với những hộ trồng mía diện tích lớn để mua máy cày, thiết bị bón phân, máy băm rác mía... Bà con trả theo chu kỳ từng năm một cho công ty”.
Để giảm thời gian thu mua và sản xuất mía đường, công ty đã nâng tổng công suất hai nhà máy đường đặt tại 2 huyện miền núi Sơn Hòa và Đồng Xuân từ 7.000 tấn lên 9.000 tấn mía/ngày, sở hữu vùng nguyên liệu bền vững hơn 20.000 ha, trong đó riêng huyện Sơn Hòa gần 13.000 ha. Niên vụ mía 2015 - 2016, KCP ép 800.000 tấn mía cây, sản xuất 100.000 tấn đường tinh luyện RE. Theo kế hoạch đến niên vụ 2017 - 2018 KCP sẽ nâng tổng công suất các nhà máy đường lên 10.000 tấn mía/ngày.
Ông Đào Duy Linh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Hòa, một trong những người công tác lâu năm trong ngành nông nghiệp ở huyện miền núi này cho biết: “Có thể khẳng định, không có ngành công nghiệp chế biến mía đường, nông dân vùng miền núi Phú Yên sẽ không được như ngày hôm nay. Nông dân không còn phải nơm nớp lo sợ mỗi khi mùa vụ đến. Thay vào đó, nông dân rất yên tâm đầu tư thâm canh và có điều kiện là mở rộng diện tích để tăng thu nhập tiến tới làm giàu”.