Dịch COVID-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới. Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020 cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Tuy đạt thấp, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn được coi là kỳ tích trong khi nhiều quốc gia tăng trưởng âm. Theo dự báo, tăng trưởng GDP quý III và IV sẽ tốt hơn 6 tháng qua, bởi, Việt Nam còn dư địa lớn để tăng trưởng.
Tăng trưởng thấp nhưng vẫn khá so với khu vực
Tại buổi họp báo Công bố số liệu kinh tế-xã hội 6 tháng năm 2020 tổ chức sáng 29/6, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2020 tăng 1,81%, là mức tăng thấp nhất của 6 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020. Trong khi dịch COVID-19 khiến cho nền kinh tế toàn cầu suy giảm, tăng trưởng âm, thì Việt Nam dù sụt giảm tốc độ nhưng vẫn là một điểm sáng.
Vào cuối quý I, nhiều dự báo tăng trưởng GDP quý II sẽ rất khó khăn, thậm chí tăng trưởng âm do dịch COVID-19 bắt đầu tác động mạnh tới nền kinh tế. Tuy nhiên, theo số liệu mới được Tổng cục Thống kê công bố, tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý II/2020 ước tính tăng 0,36% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý II các năm trong một thập kỷ qua.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thống kê, quý II/2020 là quý nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 khi Chính phủ chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ các giải pháp nhằm giãn cách xã hội. Với mức tăng trưởng 0,36% của quý II, GDP 6 tháng đầu năm 2020 tăng 1,81%, cũng là mức tăng thấp nhất của 6 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020.
“Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, chúng ta đặt ưu tiên hàng đầu việc phòng, chống dịch, hy sinh lợi ích kinh tế để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân. Đây chính là nền tảng vững chắc để nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm.”, bà Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh
Bà Nguyễn Thị Hương cho biết, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán tăng trưởng toàn cầu có thể giảm ở mức âm 4,9%, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) còn dự báo, nếu COVID-19 bùng phát lần 2, GDP toàn cầu có thể giảm âm 7,6%.
Bình luận về mức tăng trưởng GDP của 6 tháng đầu năm, ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản Quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho biết, các tổ chức quốc tế đánh giá, tăng trưởng của Việt Nam đang chịu ảnh hưởng rất lớn bởi dịch COVID-19 và Việt Nam không phải là nước chịu tác động tiêu cực nhất bởi đại dịch.
“GDP của Việt Nam vẫn tăng trưởng dương, như vậy, so với quốc tế chúng ta vẫn có điểm sáng”, ông Dương Mạnh Hùng nói.
Còn theo bà Nguyễn Thị Hương - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thống kê, mặc dù kinh tế 6 tháng đầu năm chỉ đạt mức tăng trưởng 1,81%, nhưng trong bối cảnh hiện nay, đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Kết quả này càng có ý nghĩa khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán tăng trưởng toàn cầu có thể giảm ở mức âm 4,9%, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) còn dự báo, nếu COVID-19 bùng phát lần 2, GDP toàn cầu có thể giảm âm 7,6%.
Mặc dù, tăng trưởng GDP thấp nhất trong nhiều năm qua, nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế giảm so với cùng kỳ năm 2019 nhưng bên cạnh đó vẫn có một số tín hiệu tích cực. Trong nửa đầu năm, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn xuất hiện sớm; dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; dịch tả lợn châu Phi chưa chấm dứt, nhưng nhờ ngành nông nghiệp đã có những giải pháp ứng phó hiệu quả nên kết quả sản xuất đạt khá, năng suất lúa vụ Đông Xuân 2020 tăng so với cùng kỳ năm trước; chăn nuôi gia cầm phát triển tốt.
Cùng với đó, động lực tăng trưởng cho nền kinh tế là công nghiệp, chế biến chế tạo. 6 tháng đầu năm 2020, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 2,71%; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,96%.
Hiện, dịch bệnh sớm được kiểm soát, các lĩnh vực của nền kinh tế đang bước vào trạng thái hoạt động bình thường trở lại, sản xuất công nghiệp có sự khởi sắc và dần lấy lại đà tăng trưởng cao từ tháng 5/2020.
Bên cạnh đó, sau hai tháng nới lỏng và gỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội, các hoạt động kinh tế - xã hội đang dần được khôi phục. Doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng, bám sát chính sách hỗ trợ của Chính phủ, từng bước đưa sản xuất kinh doanh hoạt động trở lại. 6 tháng đầu năm, cả nước có hơn 62 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng riêng trong tháng 6, doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục có sự khởi sắc với 13,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 27,9% so với tháng trước...
Nếu tính cả 984,4 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 18 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm là 1.1,5 nghìn tỷ đồng.
Tổng cục Thống kê cũng cho biết, tính đến ngày 20/6/2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 15,7 tỷ USD, giảm 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 6 tháng đầu năm ước tính đạt 8,65 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước.
6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt hơn 121,2 tỷ USD, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước. Nền kinh tế xuất siêu 4 tỷ USD giá trị hàng hóa…
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, trong bối cảnh kinh tế suy giảm như trên, các con số kinh tế của Việt Nam đã sát với thực tế. Nhìn vào con số của nền kinh tế, các cơ quan chức năng cần thực hiện giải pháp đã đề ra để vực dậy nền kinh tế Việt Nam.
Vẫn còn dư địa để tăng trưởng
Dự báo tác động của mức tăng trưởng GDP 6 tháng tăng 1,81% đến mục tiêu tăng trưởng GDP chung của cả năm 2020, ông Dương Mạnh Hùng cho rằng, tăng trưởng của nửa đầu năm thấp hơn ngoài dự đoán và thấp hơn cả kịch bản thấp nhất mà cơ quan thống kê đưa ra do dịch COVID-19 diễn ra trong tháng 4/2020, điều này sẽ khiến mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,8% bị ảnh hưởng nặng nề.
Theo ông Dương Mạnh Hùng, nếu năm 2020 muốn giữ tăng trưởng ở mức 6,8%/năm thì tăng trưởng kinh tế trong 2 quý sắp tới sẽ phải đạt trên 10%/quý. Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nếu không nói là bất khả thi bởi tình hình dịch bệnh diễn biến còn phức tạp, thương mại toàn cầu đang rất khó khăn. Chính phủ đã trình Quốc hội điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng 2020 và hiện chưa được thông qua. Tuy nhiên, ông Hùng cũng nhấn mạnh, chúng ta vẫn còn dư địa tăng trưởng ở đầu tư công.
Làm rõ vấn đề đẩy mạnh giải ngân đầu công, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng cho biết, giải ngân đầu tư công sẽ kích cầu nền kinh tế, tăng trưởng giá trị sản xuất. Nếu đầu tư công tăng 1% thì sẽ đóng góp 0,06 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP và kéo theo ngành xây dựng tăng 1,34 điểm phần trăm. Nếu hoàn thành việc giải ngân 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm nay thì GDP sẽ tăng thêm 0,42 điểm phần trăm.
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan chức năng tập trung giải ngân vốn đầu tư công đã kích thích một số ngành kinh tế tăng trưởng. Tốc độ tăng vốn từ ngân sách 6 tháng đầu năm cao nhất trong 5 năm qua, đạt 273,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 32,2% tổng vốn và tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn đầu tư công chủ yếu đi vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, tạo động lực cho phát triển, là vốn mồi cho những dòng vốn và giá trị sản xuất khác.
Về phía doanh nghiệp, ông Thúy cho rằng các doanh nghiệp cần tìm kiếm đối tác kinh doanh, kịp thời tháo gỡ khó khăn, phát huy hiệu quả vốn đầu tư của doanh nghiệp và toàn nền kinh tế.
“Chính phủ, Quốc hội xem xét, bổ sung thêm các sắc thuế, phí cần miễn giảm; kéo dài thời hạn hoãn các khoản phải nộp, phải trả của doanh nghiệp; nới trần hạn mức tăng trưởng tín dụng cho vay… hỗ trợ cho doanh nghiệp có nguồn vốn đầu tư để ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh.”, ông Thúy nhấn mạnh.
Song song với đó, Tổng cục Thống kê cho rằng, cần có chính sách khuyến khích và hạn chế nhập khẩu phù hợp với tình hình sản xuất, cung cầu trong nước như khuyến khích nhập khẩu máy móc thiết bị mở rộng sản xuất, hạn chế nhập khẩu các mặt hàng, nhóm hàng hóa trong nước có đủ năng lực sản xuất.
Bên cạnh đó, Chính phủ và doanh nghiệp nghiên cứu các giải pháp về thể chế, nguồn nhân lực, quy trình, công nghệ sản xuất và chiến lược kinh doanh để tận dụng và hòa nhập được các quy định tại Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU.
Tuy nhiên, TS Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fullbright cảnh báo, không nên kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng đột phá trong 6 tháng cuối năm. Bởi nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ suy thoái. Các điều kiện dịch bệnh vẫn tăng trên toàn thế giới. Khi dịch bệnh chưa giảm, khủng hoảng y tế vẫn là “mồi lửa” cho khủng hoảng kinh tế.
“Trong điều kiện các tâm điểm dịch bệnh lan truyền ở nhiều nước, thương mại toàn cầu vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề. Khi chưa có vắc xin, các nước vẫn thận trọng, đóng cửa biên giới, hạn chế việc mở rộng đầu tư. Nền kinh tế thế giới suy thoái sâu hoặc chờ đợi im lìm. Vì vậy, nền kinh tế Việt Nam sẽ khó tăng trưởng mạnh trở lại”, ông Tự Anh dự đoán.