Công bố báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2021

Ngày 29/3, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2021.

Ấn bản là sáng kiến của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và được phát hành từ năm 2018.

Qua 4 năm triển khai, báo cáo đã điểm lại những vấn đề nổi bật của pháp luật kinh doanh Việt Nam hàng năm và phản ánh góc nhìn của doanh nghiệp đối với những chính sách được soạn thảo hoặc ban hành. Đồng thời, phân tích sâu một số vấn đề pháp lý quan trọng tác động đến môi trường kinh doanh. Hai chủ đề của báo cáo năm nay là chất lượng của thông tư, công văn và không gian thử nghiệm pháp lý Sandbox.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI nhận định, báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2021 là nguồn thông tin hữu ích cho cả doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và cơ quan nhà nước. Doanh nghiệp, hiệp hội sẽ nhận diện được các vấn đề pháp lý tác động đến hoạt động kinh doanh. Cũng qua đó, các cơ quan quản lý nhà nước nhận biết được quan điểm của doanh nghiệp đối với các chính sách soạn thảo, làm nguồn tham khảo cho các hoạt động soạn chính sách kế tiếp.

Theo Chủ tịch Phạm Tấn Công, trong nhiều năm trở lại đây, Nhà nước luôn chú trọng cải cách thể chế, cải cách môi trường kinh doanh. Nhiều chương trình rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính đã được tiến hành. Năm 2021 cũng đã thúc đẩy mạnh mẽ việc thực thi Nghị quyết /NQ-CP của Chính phủ năm 2020 về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025. Hầu hết các bộ đã xây dựng phương án cắt giảm chi phí tuân thủ với mục tiêu cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ trong các văn bản pháp luật hiện hành. Môi trường kinh doanh cũng đã thuận lợi hơn từ những đề xuất cắt giảm này.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của VCCI, nhiều doanh nghiệp vẫn còn băn khoăn về tính thực chất của những hoạt động rà soát, cắt giảm chi phí tuân thủ. Trong những đề xuất cắt giảm của một số bộ ngành, doanh nghiệp vẫn nhìn thấy tính hình thức, “làm cho có”… vẫn còn nhiều quy định gây khó cho doanh nghiệp chưa được xử lý.

Trong hoạt động xây dựng chính sách năm 2021 có lo ngại là dường như đang có xu hướng thắt chặt quản lý ở một số ngành, lĩnh vực. Điều này thậm chí diễn ra ở một số ngành, nghề vốn từng được đánh giá cao về thành tích cải cách điều kiện kinh doanh. Hiện đang có những đề xuất áp dụng trở lại các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính không phù hợp vốn đã được xóa bỏ hay thay đổi trước đây. Theo phản ánh từ doanh nghiệp, một số chính sách vẫn đang tạo ra gánh nặng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Trong khi Chính phủ đang có nhiều chương trình cải cách thể chế mạnh mẽ, mong muốn nâng cấp môi trường kinh doanh của Việt Nam lên nhóm đầu khu vực thì đâu đó vẫn đang có tình trạng văn bản được ban hành tạo ra rào cản, là gánh nặng mới cho doanh nghiệp. Câu hỏi về tính đồng bộ trong hoạt động cải cách thể chế cũng như tính hiệu quả trong giám sát các chính sách về kinh doanh cần được đặt ra. Đảm bảo tính đồng bộ, tính bền vững là thách thức lớn cho hoạt động xây dựng chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh giai đoạn tới...

Từ thực tế ấy, người đứng đầu VCCI nhấn mạnh, để môi trường kinh doanh thuận lợi, các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả không chỉ cần các đạo luật hay nghị định tốt mà còn cần các thông tư cấp bộ có chất lượng cao và việc triển khai thực hiện các chính sách trên thực tế nhanh chóng, thuận lợi.

Điểm lại báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) cho biết, năm vừa qua là năm đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa mới. Đồng thời, cũng là giai đoạn diễn ra đỉnh sóng của dịch COVID-19, hoạt động xây dựng luật cũng đang trong giai đoạn "chuyển tiếp" với số lượng luật và đề xuất xây dựng luật mà VCCI nhận được đề nghị góp ý lần đầu tăng khá cao.

Theo ghi nhận của số đông doanh nghiệp, trong năm 2021, các chính sách liên quan tới dịch COVID-19 đã hỗ trợ kịp thời, giúp khai thông các điểm nghẽn và tạo thuận lợi trong hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp. Theo đó, đặc biệt là Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" giúp tháo gỡ những khó khăn như sự đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên vật liệu, nguồn lao động; giảm bớt tình trạng phát sinh chi phí lớn cho doanh nghiệp hay phát sinh thủ tục hành chính và các giấy phép con, nhất là vấn đề hàng hóa ùn tắc tại một số cảng biển lớn.  

Tuy nhiên, trong báo cáo đã chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại trong thông tư, công văn là hai dạng văn bản liên quan sát sườn đến hoạt động của doanh nghiệp. Các quy định tại thông tư vẫn còn tình trạng chưa rõ ràng, thiếu thống nhất, chưa hợp lý và khả thi. Mặc dù, những quy định này tưởng là “nhỏ” nhưng vì liên quan đến hoạt động hàng ngày, thường xuyên của doanh nghiệp, nên trở thành rào cản, gây khó khăn đáng kể cho doanh nghiệp.

Báo cáo cũng chỉ ra những vấn đề bất cập của công văn như: nội dung của công văn chưa rõ ràng, chính xác, thiếu thống nhất trong áp dụng pháp luật giữa các cơ quan thực thi, hay nội dung của công văn không đủ tin cậy. Đây là những vấn đề tác động rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp và đặt ra tính chịu trách nhiệm của các cơ quan ban hành dạng văn bản này. 

Dịch COVID-19 là đại dịch trước nay chưa có tiền lệ. Vì thế, trong bối cảnh này, rất nhiều vấn đề pháp lý cần phải nhìn nhận lại. Báo cáo đã chỉ ra những quy định trong pháp luật không phù hợp áp dụng trong bối cảnh dịch bệnh, gây khó khăn, bất cập rất lớn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Chẳng hạn như thiếu vắng các quy định về bán thuốc online, khám bệnh từ xa, chế độ cho người làm việc ở nhà …Đây là các hoạt động cần thiết trong tình hình các biện pháp phòng dịch hạn chế người dân ra ngoài đường. Hay các quy định pháp luật không phù hợp áp dụng trong thời kỳ này. Ví dụ, thời gian làm thêm giờ, yêu cầu giấy tờ khi thực hiện gia hạn giấy chứng nhận lưu hành đối với thuốc, nguyên liệu làm thuốc …

Báo cáo cũng ghi nhận nhiều băn khoăn về tính hiệu quả, thực chất của hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh. Mặc dù, không nổi bật và gây chú ý như các chính sách liên quan đến dịch COVID-19, nhưng hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh vẫn là “dòng chảy” bền bỉ mà Nhà nước đang thực hiện để cải cách thể chế.

Báo cáo chỉ ra nghịch lý, trong khi Chính phủ thúc đẩy hoạt động cải cách, cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp thông qua đơn giản hóa, cắt bỏ điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính thì một số chính sách đề xuất soạn thảo mới trong năm 2021 lại có xu hướng gia tăng thêm điều kiện kinh doanh. Chẳng hạn như xuất khẩu gạo, thẩm định giá. Điều này đặt ra câu hỏi lớn về tính thực chất và hiệu quả của hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh mà Nhà nước đang tiến hành.

Ngọc Quỳnh (TTXVN)
UBTV Quốc hội cho ý kiến về Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) và Luật Điện ảnh (sửa đổi)
UBTV Quốc hội cho ý kiến về Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) và Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Sáng 22/3/2022, tại Nhà Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục Phiên họp thứ 9 để cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) và dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN