Công bố Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022

Ngày 1/8 tại thành phố Cần Thơ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Lễ công bố Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022.

Đây là lần thứ 2 báo cáo thực hiện đầy đủ và duy nhất về một vùng kinh tế trên cả nước với chủ đề “Chuyển đổi mô hình phát triển và Quy hoạch tích hợp”. Báo cáo tập trung nghiên cứu mô hình chuyển đổi nông nghiệp, đánh giá tác động của Quy hoạch tích hợp Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021- 2030 tầm nhìn 2050.

Chú thích ảnh
Ông Phạm Tấn Công, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch VCCI phát biểu tại lễ công bố. 

Tại lễ công bố, các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế, các tổ chức quốc tế đã công bố các báo cáo về kết quả tăng trưởng kinh tế của vùng trong 2 năm vừa qua đồng thời phân tích những yếu tố tác động đến nền kinh tế của vùng cũng như định hướng các giải pháp, chính sách phát triển trong thời gian tới.

Báo cáo chỉ rõ, kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2020-2021 điểm sáng lớn nhất là lĩnh vực nông nghiệp. Bất chấp dịch bệnh trong năm 2021, khu vực nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn tăng trưởng mạnh, đạt 3,4%, cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước. Xuất khẩu nông thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long đóng vai trò then chốt trong việc duy trì thặng dư thương mại cho Việt Nam. Tuy nhiên, một mình ngành nông nghiệp không đủ sức vực dậy nền kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long vì khu vực công nghiệp và dịch vụ cùng nhau chiếm tới hơn 70% GRDP của vùng đều tăng trưởng âm, ước tính lần lượt là  âm 0,8% và  âm 1,8%.

Một vấn đề đáng quan tâm nữa đó là năng lực cạnh tranh nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ đến từ điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, cũng không chỉ đến từ những biện pháp cải tiến kỹ thuật giúp tăng năng suất mà đến từ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Điều đặc biệt thú vị ở Đồng bằng sông Cửu Long là khác với mô thức chuyển đổi cơ cấu phổ biến, trong giai đoạn 2015 – 2020, tốc độ tăng năng suất lao động nông nghiệp trung bình ở Đồng bằng sông Cửu Long rất cao, lên tới 9,03%/năm, gấp hơn 2 lần so với khu vực công nghiệp 4,39% và dịch vụ 3,82%. Điều này cho thấy Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn nhiều tiềm năng chuyển đổi cơ cấu và tăng năng suất.

Báo cáo cũng chỉ ra Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước thử thách của ba vòng xoáy: “Vòng xoáy ngân sách” phản ảnh tình trạng thiếu đầu tư trầm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long; “Vòng xoáy lao động” xuất phát từ tình trạng thiếu cơ hội việc làm nên lao động trẻ di cư từ Đồng bằng sông Cửu Long đến các khu vực đô thị và công nghiệp ở Đông Nam Bộ. Và “Vòng xoáy cơ cấu kinh tế” là căn nguyên của hai vòng xoáy trên. Trong Báo cáo nêu rõ, cần phá vỡ một số mắc xích của các vòng xoáy về kinh tế, xã hội, môi trường thì ĐBSCL mới có thể chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân một cách bền vững…

Chú thích ảnh
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam, đồng chủ biên và Trưởng nhóm nghiên cứu báo cáo tại lễ công bố. 

Theo Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam, đồng chủ biên và Trưởng nhóm nghiên cứu, Đồng bằng sông Cửu Long chịu tác động nặng nề của dịch COVID -19 và là vùng duy nhất của cả nước có tốc độ tăng trưởng âm trong năm 2021. GRDP của vùng trong 2 năm vừa qua suy giảm  nặng nề trong cả 4 lĩnh vực, từ nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ đến thuế và trợ cấp từ thuế trong khi cơ cấu GRDP trong 3 năm từ năm 2019-2021 hầu như không thay đổi.

Riêng trong năm 2021, Việt Nam có 9 địa phương có mức tăng trưởng âm thì kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã đóng góp tới 6 địa phương. Trong bức tranh đó, nông nghiệp vẫn đó là điểm sáng và duy trì được tốc độ tăng trưởng dương. Tuy nhiên cả lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ tăng trưởng âm, do đó, kinh tế đồng bằng sông Cửu Long vẫn phụ thuộc vào nông nghiệp. Vấn đề còn lại là làm thế nào để tăng năng suất trong nông nghiệp, hiện đại hóa trong nông nghiệp chứ không phải cứ châm châm vào thu hút đầu tư vào công nghiệp chế tạo, năng lượng…

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, báo cáo năm nay đã chỉ ra, lần đầu tiên trong 2 thập kỷ qua Đồng bằng sông Cửu Long có mức tăng trưởng kinh tế thấp hơn bình quân cả nước, với mức tăng trưởng GRDP vùng giảm sâu, âm 0,43% trong năm 2021, thấp nhất trong lịch sử phát triển của Đồng bằng song Cửu Long.

Chú thích ảnh
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam phát biểu.

Ngoài ra, giai đoạn 2016- 2020 không có thay đổi đáng kể trong cơ cấu kinh tế của vùng, công nghiệp và thương mại dịch vụ chưa đủ sức để trở thành trụ cột của nền kinh tế, đóng góp của ngành công nghiệp chế biến ngày một suy giảm. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành vốn là thế mạnh của vùng trong nhiều năm qua thì nay đã suy giảm so với các vùng kinh tế khác và các nguồn vốn huy động từ tín dụng, thu hút FDI vẫn còn thấp so với tiềm năng.

Ông Phạm Tấn Công chỉ ra những điểm sáng về kinh tế của vùng khi năm 2020 xuất siêu của vùng là 9,4 tỷ USD, năm 2021 xuất siêu hơn 8 tỷ USD. Ngoài ra, nông nghiệp đã khẳng định được năng lực cạnh tranh, giai đoạn 2021 – 2022 xuất 6,2 triệu tấn gạo, đứng thứ hai trên thế giới, thủy sản tăng 5,56%, đạt giá trị 8,8 tỷ USD. Đồng thời, năm 2021 Đồng bằng song Cửu Long là một trong 2 vùng duy nhất có sự gia tăng vốn đăng ký FDI, tập trung vào ngành năng lượng, khẳng định lợi thế và cơ hội lớn cho các nhà đầu tư.

Ông Công cho rằng, báo cáo Kinh tế Thường niên Đồng bằng song Cửu Long năm 2022, VCCI muốn gửi đến thông điệp: “Đồng bằng sồng Cửu Long đang đứng trước cơ hội lớn để thay đổi, hãy nắm bắt cơ hội, hợp tác để phát triển nhanh nhưng phải bền vững”.

Cùng với Lễ công bố “Báo cáo Kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022”, chiều cùng ngày, VCCI sẽ tổ chức hội thảo chính sách “Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long nhìn từ Quy hoạch tích hợp”. Hội thảo nhằm ghi nhận các ý kiến trao đổi của các nhà quản lý, chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế xoay quanh những kết quả nghiên cứu từ Báo cáo thường niên và những vấn đề đang diễn ra ở Đồng bằng sông Cửu Long để kiến nghị để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững trong thời gian tới.

Tin, ảnh: Ngọc Thiện (TTXVN)
Phát triển du lịch Cụm phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long
Phát triển du lịch Cụm phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 22/7, tại Cần Thơ, Hiệp hội du lịch Đồng bằng sông Cửu Long phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 trong hợp tác, liên kết phát triển du lịch Cụm phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN