Hiện nay, các ý kiến chỉ tập trung vào kết nối theo chiều Bắc - Nam. Theo trục này Việt Nam đã có đường sắt Bắc - Nam, đường Quốc lộ 1A, đường mòn Hồ Chí Minh, đường bộ ven biển và đường kết nối ven biển. Trong tương lai, Việt Nam đang xây dựng dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam và đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
“Việt Nam mong muốn có nhiều kết nối Đông - Tây nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển theo chiến lược biển đã được công bố. Chính phủ Việt Nam mong các chuyên gia từ Ngân hàng Thế giới có thêm các giải pháp để thúc đẩy kết nối giao thông theo chiều Đông - Tây”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mong muốn các chuyên gia sẽ có báo cáo phân tích sâu hơn nữa về các chiến lược trong báo cáo như xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, kết nối hệ thống giao thông.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, với cách tiếp cận đa diện và đa chiều, Báo cáo đã cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách, các bên liên quan các lựa chọn chính sách phát triển và chiến lược đầu tư nhằm thúc đẩy hội nhập của Việt Nam với thị trường toàn cầu, tăng cường kết nối thúc đẩy sự phát triển bao trùm và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu
“Kết nối là một khái niệm đa diện và đa chiều, không chỉ bó hẹp ở kết cấu hạ tầng mà còn về không gian của các hoạt động kinh tế, về tính sẵn sàng và khả năng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, Báo cáo đã trình bày tổng quan, toàn diện các vấn đề kết nối ở Việt Nam, sử dụng một bộ công cụ và phương pháp phân tích mới để cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách, các bên liên quan quan trọng khác về cách lựa chọn chính sách và chiến lược đầu tư nhằm hỗ trợ sự hội nhập của Việt Nam với thị trường toàn cầu và trong nước, tăng cường và thúc đẩy sự phát triển toàn diện về không gian, cùng với khả năng phục hồi.
Bà Robyn Mudie, Đại sứ Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cũng cho rằng, đây thực sự là một nghiên cứu cực kỳ quan trọng, toàn diện đã chỉ ra những thách thức và cơ hội cho Việt Nam trong thời gian tới. Đặc biệt, Báo cáo đã đưa ra 9 khuyến nghị trọng tâm trong 4 lĩnh vực kết nối cần củng cố liên quan đến hội nhập với thị trường toàn cầu, nội địa, phát triển toàn diện về không gian và nâng cao khả năng phục hồi.
Tại lễ công bố, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đã trình bày Báo cáo tổng quan về kết nối Việt Nam vì phát triển và thịnh vượng chung.
Bà Jen Jung Eun Oh, chuyên gia giao thông cao cấp, Ngân hàng Thế giới cho rằng, thương mại Việt Nam tăng trưởng cùng với hội nhập ngày càng sâu rộng và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Việt Nam sẽ được hỗ trợ lớn khi tham gia vào thị trường toàn cầu thông qua chiến lược kết nối và như vậy, khi thực hiện phân tích không gian có thể giải quyết được câu hỏi có cần tập trung vào các lĩnh vực cụ thể hoặc chuỗi giá trị cần phải tập trung vào; một số chuỗi giá trị phụ thuộc nhiều hơn vào kết nối vận chuyển và logistics hơn những chuỗi khác; những hành lang quan trọng nào Việt Nam mong muốn cải thiện để tăng khả năng cạnh tranh thương mại.
Theo đó, những phân tích này dẫn đến xác định hành lang vận chuyển cho chuỗi giá trị quan trọng, trong 9 chuỗi giá trị, chiếm hơn 70% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam.
Những hành lang quan trọng nằm tập trung xung quanh các trung tâm kinh tế lớn nhất Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, kết nối với các tỉnh thành, vùng tham gia vào chuỗi giá trị.
“Việc đảm bảo chất lượng của kết cấu hạ tầng và các dịch vụ logicstics cần thiết dọc theo các hành lang này sẽ giúp giảm chi phí thương mại và vận chuyển liên quan đến các chuỗi giá trị, điều rất quan trọng đối với khả năng xuất khẩu của Việt Nam”, bà Jen Jung Eun Oh cho biết.
Theo Ngân hàng Thế giới, trong bối cảnh thu nhập tăng, giảm nghèo đói và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam đã được hưởng lợi rất nhiều. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đối diện với những thách thức và mối đe dọa mới đối với quỹ đạo tăng trưởng từ khuynh hướng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, sự chững lại của nền kinh tế toàn cầu và sự tác động của biến đổi khí hậu. Để bảo đảm năng lực cạnh tranh, Việt Nam phải thực thi các chính sách và đầu tư để đất nước thích ứng một cách tốt nhất với môi trường toàn cầu đang thay đổi.
Báo cáo trình bày 9 khuyến nghị trọng tâm trong 4 lĩnh vực kết nối cần củng cố liên quan đến hội nhập thị trường toàn cầu, kết nối thị trường nội địa, kết nối có tính bao trùm và nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Qua đó, cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan các lựa chọn chính sách và chiến lược đầu tư nhằm hỗ trợ sự hội nhập của Việt Nam với thị trường toàn cầu và trong nước, tăng cường kết nối thúc đẩy sự phát triển bao trùm, cùng với việc tạo dựng khả năng đối phó với biến đổi khí hậu.
Để vấn đề kết nối của Việt Nam trở nên tốt hơn, nhóm chuyên gia đã đề xuất các hành động cụ thể với 9 khuyến nghị như: Cần thay đổi quan điểm về giao thông và không gian để hỗ trợ các chuỗi giá trị quan trọng; sắp xếp lại mạng lưới các cửa khẩu quốc tế; tạo ra các vùng kinh tế trọng điểm dọc theo hành lang mới; nâng cấp kết nối mềm để phục vụ thị trường trong nước; Rà soát kết cấu hạ tầng và dịch vụ logictics tại các thành phố; Kết nối giữa vùng mật độ thấp với thị trường; bổ sung kết nối với các hỗ trợ kinh tế và xã hội; đầu tư vào khả năng phục hồi thông minh dựa trên mức độ quan trọng và rủi ro; thúc đẩy vận tải đa phương thức như một chiến lược bền vững.
Báo cáo Phát triển Việt Nam (VDR) 2019: Kết nối Việt Nam vì thịnh vượng và phát triển chung đã được các chuyên gia trình bày một loạt các phân tích mới và nguyên bản cũng như phát triển nghiên cứu mới dựa trên nền tảng là hai báo cáo khác: Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ và Báo cáo phát triển thế giới 2020: Giao dịch để phát triển trong kỷ nguyên của chuỗi giá trị toàn cầu.
Báo cáo được công bố vào thời điểm vô cùng quan trọng, khi Chính phủ Việt Nam đang xây dựng chiến lược phát triển mới cho 10 năm tới. Những phát hiện trong Báo cáo sẽ cung cấp những hiểu biết có giá trị về những thách thức trong vấn đề kết nối của Việt Nam và phương hướng để giải quyết trong tương lai…