Ông Ian Hatton, Chủ tịch Tập đoàn Enterprize Energy cho biết, sau khi nhận được Giấy phép khảo sát chính thức, nhà đầu tư sẽ khảo sát và lập báo cáo bổ sung quy hoạch, lập báo cáo môi trường, báo cáo khả thi của dự án, để Giai đoạn 1 của dự án Thanglong Wind sẽ được hòa lưới điện vào cuối năm 2022, đầu năm 2023 với công suất 600 MW, gồm 64 cột gió.
Theo phía chủ đầu tư, phương án khảo sát chi tiết dự án này gồm: khảo sát và thu thập số liệu gió, thời gian đo liên tục trong 12 tháng và ở độ cao 200 m so với mực nước biển; khảo sát sự di trú của các loài chim biển, sinh vật biển; khảo sát địa vật lý; khảo sát địa chất công trình; khảo sát môi trường nước và sinh thái biển…
Dự án Thanglong Wind ngoài khơi dự kiến sẽ được đầu tư xây dựng tại khu vực cách bờ biển Bình Thuận (mũi Kê Gà) khoảng 20 - 50 km với tốc độ gió bình quân 9,5 m/s. Diện tích thực hiện khảo sát 2.800 km2; trong đó, khu vực dự án là 2.000 km2 và khu vực cáp điện ngầm truyền tải về bờ là 800 km2. Diện tích thực tế để thực hiện dự án chỉ chiếm khoảng từ 25 - 30% diện tích khảo sát.
Giai đoạn phát triển tiếp theo, Thanglong Wind 2, Thanglong Wind 3, Thanglong Wind 4, Thanglong Wind 5 sẽ lần lượt được đưa vào khai thác giai đoạn từ năm 2023-2026 với công suất mỗi giai đoạn 600 MW. Giai đoạn phát triển cuối là ThangLong Wind 6 với công suất 400 MW. Tổng công suất của dự án đạt khoảng 3.400 MW. Vốn đầu tư được thu xếp cho toàn bộ dự án tương ứng khoảng 11,9 tỷ USD, chưa kể phần đầu tư cho kết nối vào hệ thống điện Quốc gia.
Theo ông Ian Hatton, các tuabin sử dụng trong dự án có công suất khác nhau; trong đó, những tuabin gió đầu tiên được xây dựng có công suất 9,5 MW. Trong suốt quá trình xây dựng của từng giai đoạn, công suất các tuabin sẽ còn tăng lên với sự phát triển của công nghệ tuabin gió. Trong tương lai, với dự án này, Việt Nam có thể trở thành quốc gia có công trình điện gió với công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới.
“Dự án sẽ tuân thủ hoàn toàn luật pháp của Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế. Dự án này sẽ tận dụng được năng lực của Việt Nam trong thi công các kết cấu thông qua VietsovPetro và Công ty CP Kết cấu kim loại và lắp máy (PVC-MS), giúp Việt Nam trở thành quốc gia đi đầu ở Đông Nam Á về phát triển điện gió ngoài khơi”, ông Ian Hatton nói.
Ông Vũ Mai Khanh, Phó giám đốc Liên doanh Việt - Nga VietsovPetro cho biết, doanh nghiệp sẽ cung cấp các dịch vụ liên quan đến dự án điện gió Kê Gà cho chủ đầu tư một cách an toàn, hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhất. Điều này nhằm giúp chủ đầu tư hoàn thành dự án theo đúng lộ trình đặt ra và mang lại lợi ích chung các bên liên quan.
“Đồng thời, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, sát cánh hợp tác và chia sẻ từ các bộ, ban, ngành Trung ương và chính quyền địa phương để chúng tôi có thể thực hiện thành công nhiệm vụ của mình. Từ đó, góp một phần sức lực vào công cuộc phát triển nguồn năng lượng tái tạo ở Việt Nam theo đúng lộ trình của Chính phủ đã đề ra”, ông Vũ Mai Khanh nói thêm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lương Văn Hải đề nghị, chủ đầu tư, các đối tác dự án cùng với địa phương phối hợp thực hiện tốt các bước khảo sát của dự án này. Tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương phối hợp, tạo điều kiện để các đơn vị khảo sát, hỗ trợ dự án đúng tiến độ, đạt chất lượng...
Nhân dịp này, Tập đoàn Enterprize Energy đã ra mắt website chính thức của dự án tại địa chỉ: Thanglongwind.com.
Trước đó, xét kiến nghị của Bộ Công Thương tại công văn số 3423/BCT-DL ngày 6/6/2019 về phương án khảo sát chi tiết dự án điện gió ngoài khơi mũi Kê Gà, Bình Thuận, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có ý kiến chỉ đạo.
Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương xem xét, quyết định về việc thông qua phương án khảo sát của Tập đoàn Enterprize Energy và cho phép EE thực hiện khảo sát theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 621/VPCP-QHQT ngày 22/01/2019 của Văn phòng Chính phủ.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo UBND tỉnh Bình Thuận chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công Thương, Quốc phòng, Giao thông Vận tải và các cơ quan liên quan giám sát hoạt động khảo sát của EE, đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải, an ninh quốc phòng và không ảnh hưởng tới môi trường sinh thái, tài nguyên biển…, đồng thời đảm bảo an ninh, an toàn cho hoạt động khảo sát.
Trên cơ sở ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương, ngày 12/6/2019, Bộ Công Thương đã có văn bản chính thức số 4146/BCT-ĐL, thống nhất về mặt nguyên tắc, cho phép nhà đầu tư EE triển khai khảo sát chi tiết kèm theo văn bản số 01/EEVN ngày 11/3/2019, tại khu vực biển ngoài khơi mũi Kê Gà, Bình Thuận.