Tại hội nghị, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã trao Quyết định nói trên cho Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Đặng Trọng Thăng.
Theo đó, với mục tiêu là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, địa bàn có tính đột phá của tỉnh Thái Bình, Khu kinh tế Thái Bình sẽ khai thác tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí trong việc kết nối kinh tế, thương mại, dịch vụ với các địa bàn lân cận, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và vùng duyên hải Bắc Bộ.
Khu kinh tế Thái Bình được quy hoạch với diện tích hơn 30.000 ha bao gồm 30 xã, 1 thị trấn, thuộc huyện Thái Thụy và Tiền Hải, nằm trên tuyến đường bộ ven biển nối từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa đang được xây dựng, cách sân bây Cát Bi và cảng nước sâu Tân Vũ - Lạch Huyện 30 km...
Tại đây, các khu chức năng chính gồm: Trung tâm điện lực Thái Bình với trung tâm nhiệt điện Thái Bình có diện tích 253 ha và khu điện gió có diện tích 600 ha; các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ với diện tích hơn 8.000 ha; khu cảng biển tiếp nhận tàu đến 50.000 DWT với diện tích 500 ha; khu du lịch, dịch vụ hơn 3.100 ha và khu dân cư nông thôn với hơn 2.500 ha.
Về định hướng, ngành công nghiệp sẽ phát triển theo hướng thân thiện với môi trường, chủ đạo sẽ là công nghiệp công nghệ cao như cơ khí chế tạo động cơ, sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy, may mặc xuất khẩu…
Ngành dịch vụ, du lịch, sẽ phát triển dịch vụ giao nhận, vận chuyển gắn với hệ thống cảng biển, ưu tiên hệ thống phân phối hiện đại bao gồm các trung tâm thương mại, dịch vụ tổng hợp, tài chính, ngân hàng; tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đô thị gắn với sự kiện, lễ hội, du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch vui chơi giải trí cao cấp (golf, casino).
Ở lĩnh vực nông nghiệp sẽ phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng, tận dụng tối đa điều kiện tự nhiên.
Ngoài ra, Khu kinh tế Thái Bình được quy hoạch có không gian kiến trúc cảnh quan hiện đại, dựa trên cấu trúc cảnh quan và sinh thái tự nhiên, đặc biệt là khai thác cảnh quan sông, khu vực cửa sông, cửa biển, dải bờ biển.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh, đây là khu kinh tế có diện tích rất lớn, phát triển đa mục tiêu cả về kinh tế, xã hội, điều này hết sức thuận lợi cho tỉnh Thái Bình. Bộ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị tỉnh Thái Bình cần nghiêm túc thực hiện theo quy hoạch được duyệt, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong phát triển từ việc xúc tiến đầu tư đến xây dựng hạ tầng Khu kinh tế.
Để Khu kinh tế Thái Bình sớm được triển khai xây dựng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên đã chỉ đạo Ban Quản lý Khu kinh tế và các Khu công nghiệp tỉnh khẩn trương phối hợp với các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan tổ chức niêm yết công khai các bản đồ định hướng phát triển không gian và các bản vẽ kỹ thuật của đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình. UBND tỉnh khẩn trương chỉ đạo xây dựng và ban hành quy định quản lý theo đồ án quy hoạch chung, chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành trung ương để sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khung cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích đầu tư vào Khu kinh tế.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình cam kết Khu kinh tế Thái Bình sẽ là địa chỉ hấp dẫn, tin cậy với các nhà đầu tư trong, ngoài nước và địa phương sẽ luôn lắng nghe, điều chỉnh kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư với mức ưu đãi cao nhất.