Công nghiệp hỗ trợ: Vẫn loay hoay tìm lối

Theo đánh giá của các chuyên gia nước ngoài, sở dĩ ngành công nghiệp Việt Nam chưa phát triển là do ngành công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển. Vì vậy, để ngành này phát triển được trong tương lai, ngoài những nỗ lực tự thân của doanh nghiệp thì rất cần tới vai trò hỗ trợ từ Nhà nước.


Ông Vũ Xuân Mừng - Phó Trưởng đại diện Bộ Công Thương tại TP Hồ Chí Minh, cho biết ngành công nghiệp hỗ trợ có vai trò cực kỳ quan trọng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Tuy nhiên, ngành này còn đang phát triển chậm. Nếu chậm phát triển công nghiệp phụ trợ, trong tương lai sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả thu hút đầu tư từ nước ngoài.


Còn ông Hiroyuky Mizunoe - Dự án phát triển Công nghiệp hỗ trợ, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản, cũng cho rằng Việt Nam đang kém cạnh tranh so với nhiều nước trong khu vực về thu hút đầu tư vì thiếu ngành công nghiệp hỗ trợ. “Việt Nam đang phải cạnh tranh so với những nước có ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển như Thái Lan, Malaixia, Inđônêxia, Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong khi đó các doanh nghiệp Việt Nam bị các doanh nghiệp Nhật đánh giá là do đã quá quen với môi trường được bao cấp, chưa quen với môi trường cạnh tranh khắc nghiệt về cả sản xuất và dịch vụ. Điều này dẫn đến sản xuất công nghiệp phụ trợ Việt Nam khó phát triển. Đơn cử như khi doanh nghiệp Nhật tiếp cận với nhà sản xuất Việt Nam và đưa ra mẫu sản phẩm không cùng mẫu sản xuất có sẵn để sản xuất thử thì doanh nghiệp Việt Nam nản chí ngay vì ngại mất thời gian”- ông Hiroyuky Mizunoe nhận xét.


Dây chuyền Nhà máy sợi Duy Nam tại Khu công nghiệp dệt Bình An, huyện Dĩ An (Bình Dương). Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN


Thực tế cho thấy, ngành công nghiệp này hiện chưa phát triển đúng với tiềm năng. Chẳng hạn trong ngành dệt may tỷ lệ nội địa hóa chỉ mới hơn 45%; ngành đóng tàu có trên 80% nguyên vật liệu phải nhập khẩu và ngành giấy mỗi năm nhập 300- 400 triệu USD nguyên phụ liệu…


Nguyên nhân khiến ngành này còn chậm phát triển là do quy mô công nghiệp hỗ trợ trong nước còn đơn giản, nhỏ lẻ, chủ yếu sản xuất các linh kiện chi tiết giản đơn, giá trị gia tăng thấp… Ngoài ra, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ còn gặp nhiều khó khăn do là ngành vừa đòi hỏi công nghệ cao, lao động chất lượng cao lại vừa có rủi ro cao khiến nhiều doanh nghiệp chưa dám mạnh dạn đầu tư.


Đánh giá được tầm quan trọng của ngành này, năm 2011 Chính phủ đã ban hành Quyết định số 12/2011 về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp hoạt động trong ngành này lại cho rằng họ chưa nhận được sự hỗ trợ nào từ các chính sách ưu đãi của nhà nước.


Bà Trần Ngọc Phương Hằng - Giám đốc Công ty Phan Sinh cho biết: “Hiện chúng tôi phải tự “bơi” khi cạnh tranh với những nhà cung cấp nước ngoài mà chưa nhận được một chính sách ưu đãi nào từ Chính phủ. Sắp tới công ty đang có kế hoạch di dời nhà xưởng vào một khu công nghiệp để nâng cao công suất, đáp ứng nhu cầu đang lên của thị trường. Chúng tôi không cần cấp vốn ngân sách mà chỉ cần có một chính sách đột phá và những ưu đãi cụ thể”.


Trong khi đó, ông Nguyễn Dương Hiệu - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp và Thương mại Lidovit, cho rằng vẫn chưa nhận được hỗ trợ gì. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, nếu Chính phủ đã có chính sách cho ngành, thì các bộ, ngành cần sớm có những hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp được hưởng những ưu đãi về thuế, hải quan, hạ tầng... từ đó mới có thể đưa ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam phát triển mạnh.


Bà Phó Nam Phượng - Giám đốc Trung tâm xúc tiến Thương mại và đầu tư tại TP Hồ Chí Minh, nhìn nhận: “Vấn đề phát triển ngành công nghiệp phụ trợ được nhắc đến nhiều trong các cuộc họp tại UBND thành phố, Trung ương cũng rất muốn phát triển, muốn hỗ trợ đầu tư lớn cho doanh nghiệp ngành này phát triển. Tuy nhiên hướng đi và lối ra như thế nào, chính sách ra sao thì các cơ quan quản lí vẫn đang tìm. Chúng tôi là cơ quan giữa chính quyền và doanh nghiệp cho nên chúng tôi chỉ có thể tổ chức những cuộc hội thảo, chuyên đề để các chuyên gia nước ngoài giúp chúng ta tìm những lối ra, cung cấp các kĩ thuật, cách làm thể nào để phát triển. Sắp tới chúng tôi sẽ đề xuất với UBND thành phố để có những chính sách hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp”.



H.Tuyết - M.Thuyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN