Chỉ số giá nhiều nhóm quan trọng như lương thực, thực phẩm, giao thông, vật liệu xây dựng đã giảm sâu so với tháng 2. Đây là một trong những yếu tố dẫn tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2014 đã giảm 0,44/% so với tháng 2/2014.
Cần giải pháp kích cầu để tăng sức mua. |
Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức ngày 24/3, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: CPI ở trạng thái âm là tình trạng đã diễn ra nhiều lần trong năm ngoái. Hiện tại, vẫn chưa lo ngại nguy cơ thiểu phát. Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội Siêu thị Hà Nội lại bày tỏ lo ngại về việc CPI âm thể hiện sức mua quá yếu.
Nhiều mặt hàng chịu áp lực giảm giá
Tổng cục Thống kê (TCTK) vừa công bố CPI tháng 3/2014 với mức sụt giảm 0,44% so với tháng 2 và tăng 4,39% so với tháng 3/2013. Trong số 11 nhóm hàng hóa thuộc rổ tính CPI có tới 4 nhóm hàng hóa quan trọng giảm so với tháng trước. Cụ thể, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ giảm tới 0,96%; nhóm hàng lương thực giảm 0,13% và nhóm thực phẩm giảm giá mạnh nhất tới 1,54%.
Đại diện TCTK phân tích: Xét về mặt tổng quan thị trường, CPI tháng 3/2014 đã phản ánh xu hướng là giá nhiều hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng giảm sau Tết Nguyên đán. Diễn biến này phù hợp với quy luật tiêu dùng những năm trước đây (trừ những năm 2008, 2010, 2011 quy luật tiêu dùng bị phá vỡ do áp lực lạm phát tăng cao). “CPI tháng 3/2014 giảm khá mạnh do nhu cầu tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ của người dân sau Tết Nguyên đán đã giảm; giá các mặt hàng trở về mặt bằng trước Tết Nguyên đán”, ông Thắng nói.
Sức ép giảm giá lương thực hiện nay là mối lo với người nông dân. Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã thu hoạch vụ đông xuân với năng suất khá cao nên giá lúa gạo giảm. Bên cạnh đó, do sức ép cạnh tranh từ Thái Lan, Ấn Độ, một số thị trường truyền thống giảm nhập khẩu nên giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm tác động đến giá trong nước. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, giá lúa gạo giảm sẽ giúp người dân mua lương thực rẻ hơn nhưng CPI giảm mạnh nhất ở nhóm lương thực thực phẩm đồng nghĩa với việc người nông dân sẽ thiệt thòi.
Giá mặt hàng thực phẩm cũng giảm mạnh do nhiều yếu tố tác động. Sau Tết Nguyên đán, giá các mặt hàng thực phẩm đã giảm khá mạnh do nhu cầu về các mặt hàng này đã trở lại bình thường và ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm tại nhiều địa phương. Cụ thể: Giá thịt lợn giảm 2,02%; giá thịt gia cầm tươi sống giảm 4,07% so với tháng trước; giá thịt chế biến giảm 0,54%; giá trứng các loại giảm 4,9%. Giá rau giảm 4,76% so với tháng trước do sản lượng thu hoạch nhiều. Việc giá thực phẩm giảm đang gây nhiều áp lực đối với người nông dân. Theo phản ánh từ các địa phương, nhiều hộ chăn nuôi lợn, gia cầm đã phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ do giá bán thấp hơn giá thành.
Cải thiện sức mua
CPI quý I năm nay có tốc độ tăng tương đối thấp trong 10 năm gần đây, bình quân mỗi tháng tăng 0,27%. Theo đánh giá của TCTK, đây là tín hiệu lạc quan CPI sẽ giữ được mức ổn định trong năm nay. Trước hết, do tình hình thời tiết thuận lợi, lượng nông sản dồi dào nên giá lương thực, thực phẩm chỉ tăng nhẹ trong những ngày cận Tết và sau Tết đã trở về mặt bằng trước đó. Tiếp đó, nhờ công tác bình ổn thị trường được nhiều địa phương triển khai tích cực nên thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán đã không xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến như một số năm trước đây.
Tuy nhiên, đại diện TCTK cũng thừa nhận: Do kinh tế vẫn còn khó khăn nên người dân có tâm lý thận trọng hơn trong chi tiêu, chỉ tập trung vào các mặt hàng thiết yếu nên sức mua giảm. TS.Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng: Giá cả tăng thấp trong tháng Tết vừa qua cho thấy một thực tế là sức mua của dân quá thấp.
Đồng tình quan điểm này, ông Vũ Vinh Phú đánh giá: Nguyên nhân chủ yếu khiến CPI âm là do sức mua yếu, đặc biệt là với người nghèo. “Nông dân không bán được hàng hóa, giá bán thấp hơn giá thành, số doanh nghiệp phá sản vẫn tăng, doanh nghiệp sản xuất cầm cự, giảm biên chế, người lao động mất việc... là những lý do dẫn tới sức cầu yếu của nền kinh tế.
Mặc dù giá lương thực, thực phẩm giảm nhưng giá các mặt hàng ăn uống ngoài gia đình tháng này vẫn tăng nhẹ. Theo TCTK, do trong tháng này có nhiều lễ hội đầu năm được tổ chức ở các địa phương nên chỉ số giá nhóm hàng ăn uống ngoài gia đình vẫn tăng. Tuy nhiên, ông Phú cho rằng, giá lương thực, thực phẩm giảm nhưng giá ăn uống, dịch vụ ngoài xã hội vẫn tăng cao, thể hiện sự quản lý còn yếu kém.
Đại diện Hiệp hội Siêu thị Hà Nội đã đưa ra một số giải pháp để nâng cao sức mua của người dân. Theo đó, các doanh nghiệp cần tiết kiệm chi phí sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành thì mới giảm được giá bán, kích thích sức mua và giải phóng hàng tồn kho “Sau khi hàng tồn kho giảm, doanh nghiệp lại tiếp tục sản xuất, người lao động có công ăn, việc làm, thu nhập tăng cao thì mới có tiền chi tiêu. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý phải tổ chức tốt hệ thống phân phối, cắt giảm chi phí các khâu trung gian”, ông Vũ Vinh Phú đề xuất.
Theo TCTK, để cải thiện sức mua, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay, giúp các doanh nghiệp giảm được chi phí đầu vào, giảm được giá thành, từ đó kích thích nhu cầu tiêu dùng. Ông Thắng dự báo: CPI tháng 4 sẽ tăng không cao, giá các mặt hàng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, nhà ở và vật liệu xây dựng, thuốc và dịch vụ y tế vẫn ổn định. CPI tháng 4 dự kiến tăng nhẹ khoảng từ 0,1 - 0,2% so với tháng 3/2014.
Minh Phương