Theo phân tích mới nhất của Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê - TCTK), thông thường tháng 2 hàng năm có Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ tăng đột biến nên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 hàng năm thường cao nhất trong năm. Tuy nhiên, CPI tháng 2/2014 lại tăng khá thấp so với tháng 2 các năm trước đây.
Nhờ thời tiết thuận lợi, hàng hóa dồi dào, giá ổn định
Số liệu của TCTK công bố ngày 24/2, CPI tháng 2 chỉ tăng 0,55% so với tháng 1/2014 và tăng 4,65% so với cùng kỳ năm 2013. CPI tháng 2 tăng ở 10/11 nhóm trong rổ hàng hóa và dịch vụ chung với mức tăng từ 0,05 - 1,15%; trong đó, mức tăng lớn nhất thuộc về nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống và tăng thấp nhất là nhóm thuốc và dịch vụ y tế. Tuy nhiên, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,64%.
Khách chọn mua hàng tại siêu thị OceanMart - Chi nhánh quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: Quang Quyết - TTXVN |
Ông Nguyễn Đức Thắng - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá TCTK cho biết, CPI tháng 2 năm nay tăng khá thấp là do tình hình thời tiết thuận lợi nên hàng hóa nông sản dồi dào, giá lương thực, thực phẩm chỉ tăng nhẹ trong những ngày cận Tết. Bên cạnh đó, do tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn nên người tiêu dùng đã cân nhắc hơn trong chi tiêu và chỉ tập trung vào các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Vì vậy, sức mua chỉ tăng tập trung vào các ngày 23 tháng Chạp - ngày ông Công ông Táo và các ngày 28, 29, 30 tháng Chạp nên giá chỉ tăng cao hơn vào những ngày này, sau đó giá nhanh chóng ổn định trở lại.
Theo đại diện Vụ Thống kê giá, riêng đối với mặt hàng lương thực, mặc dù nguồn cung khá ổn định nhưng chỉ số giá mặt hàng này vẫn tăng nhẹ so với tháng trước là do nhu cầu tiêu dùng vào dịp Tết mặt hàng gạo tẻ ngon và gạo nếp tăng mạnh. Chỉ số giá lương thực cả nước tăng (+0,%), trong đó: giá gạo tẻ thường tăng 0,65%; gạo tẻ ngon tăng 0,88%; và gạo nếp tăng 1,41% so với tháng trước.
Là tháng Tết Nguyên đán nên nhu cầu về thực phẩm tăng, chỉ số giá thực phẩm tăng khá cao (1,16%), trừ rau xanh hầu hết các mặt hàng thực phẩm đều tăng giá. Trong tháng 2/2014, giá của một số mặt hàng thực phẩm tăng như sau: Giá thịt lợn tăng 2,21%, thịt bò tăng 4,35%; giá gia cầm tươi sống tăng 0,91%, tăng chủ yếu ở mặt hàng gà ta; giá thủy hải sản tăng 2,33%; giá các mặt hàng như bánh kẹo, đường mật, bơ sữa tăng từ 0,5% đến 2,0% do chi phí đầu vào và nhu cầu Tết tăng. Riêng giá rau xanh giảm khá mạnh (- 6,7%) do thời tiết thuận lợi và đang chính vụ nên nguồn cung dồi dào. Do nhu cầu tiêu dùng trong Tết nên giá đồ uống các loại đều tăng: đồ uống không cồn tăng 0,36%; giá rượu bia tăng 0,55%; thuốc lá tăng 1,19%... Tuy nhiên, theo các chuyên gia thị trường, mức tăng giá của những mặt hàng trên vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng của cùng kỳ các năm trước nên không tác động nhiều đến thị trường và chỉ số CPI.
Lo sức mua yếu
Theo nhận định của các chuyên gia thương mại, năm nay, do Tết Nguyên đán rơi vào đầu tháng 2 dương lịch nên diễn biến giá cả thị trường đã đi đúng quy luật tăng mạnh vào tháng 1 (giai đoạn chuẩn bị Tết) và giảm dần vào tháng 2 (giai đoạn sau Tết). Tuy nhiên so với các năm gần đây, qua chỉ số giá cho thấy tốc độ tăng và giảm này đều khá thấp, thậm chí thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Điều này phản ánh nhu cầu tiêu dùng của người dân vẫn chưa được phục hồi.
Chia sẻ với phóng viên báo Tin Tức, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội cho biết: Vài năm gần đây, sức mua của người tiêu dùng có xu hướng thấp dần, thể hiện rõ nhất là đợt Tết vừa rồi. Nếu dịp Tết các năm trước, “thời kỳ hoàng kim” doanh số bán hàng của hệ thống siêu thị tăng 15 - 20% so với các ngày thường thì đợt Tết vừa rồi chỉ tăng 7%. Sức mua kém thể hiện ở chỗ: Thu nhập thực tế của người dân giảm, chi phí tăng. Người dân ngày càng thắt chặt chi tiêu để đề phòng các khoản chi phát sinh, chữa bệnh. “Dự báo các tháng tiếp theo, CPI vẫn tăng thấp, ngoại trừ những đột biến như tăng giá xăng dầu, giá điện dồn dập”, ông Phú nói.
Dự báo về sự biến động của chỉ số CPI trong tháng 3/2014, ông Nguyễn Đức Thắng cho rằng sẽ không tăng cao, các mặt hàng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, nhà ở và vật liệu xây dựng, thuốc và dịch vụ y tế cũng chỉ tăng nhẹ. Dự kiến, CPI trong tháng 3 sẽ tăng nhẹ khoảng 0,55 - 0,57% so với tháng 2/2014.
Minh Phương