Để tìm hiểu về vấn đề này, phóng viên TTXVN đã trao đổi với ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh.
Thưa ông, trong tháng 5, tháng 6 năm 2023 tại miền Bắc đã chứng kiến việc thiếu điện cho sản xuất, sinh hoạt. Theo ông, nguyên nhân xuất phát từ đâu?
Tình trạng tăng đột biến của nhu cầu phụ tải trong mùa hè vừa qua không phải vấn đề mới nhưng có một số yếu tố đặc thù dẫn tới hệ quả thiếu điện.
Thứ nhất phải kể đến những đợt nắng nóng bất thường diễn ra vào đúng lúc một số nhà máy điện chủ chốt của chúng ta gặp sự cố, gây thiếu hụt về nguồn cung. Thứ hai là nguồn nước cho thủy điện cũng gặp khó khăn trong đợt đầu mùa hè. Lượng nước ở thượng nguồn về rất thấp và không đủ để phát điện. Do đặc tính của các nhà máy thủy điện không thể phát 100% toàn bộ lượng nước có trong hồ chứa mà vẫn phải dự trữ để phục vụ tưới tiêu nông nghiệp, cấp nước cho người dân. Đây đều là những nhu cầu rất quan trọng. Từ hai yếu tố này đã tạo ra những thách thức không nhỏ đối với cung ứng điện.
Thêm vào đó, các cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, Trung Đông đã khiến cho giá nhiên liệu ở mức cao, dẫn tới việc huy động nguồn nhiệt điện để đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng cao gặp khó. Trong bối cảnh đó, giá điện đã được giữ ổn định trong thời gian dài, khiến Tập đoàn Điện lực Việt Nam ở vào thế khó khi phải bán điện với giá thấp hơn so với giá thành sản xuất và thua lỗ. Hệ lụy là việc thu xếp vốn để đầu tư nguồn và lưới điện mới không có; thiếu tiền mua nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện.
Rõ ràng việc thiếu điện đã được cảnh báo từ nhiều năm trước, nhưng tình trạng này vẫn xảy ra. Ông có thể lý giải điều này?
Nhiều nghiên cứu của quốc tế đã chỉ ra rằng, khi chúng ta đi theo xu hướng chuyển đổi năng lượng sạch, giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn điện nhiên liệu hóa thạch thì yếu tố phát triển hệ thống lưới truyền tải là cực kỳ quan trọng.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải có những thay đổi lớn hơn liên quan đến các quy trình, quy định điều độ, huy động nguồn điện, phát triển thị trường điện để đảm bảo mức giá cạnh tranh hơn và tạo cơ hội để chuyển đổi năng lượng.
Thời gian qua, Việt Nam đã có sự tăng trưởng nóng về các nguồn điện năng lượng tái tạo, dẫn tới hạ tầng về truyền tải điện chưa đáp ứng được; khu vực miền Trung và miền Nam quá dư thừa, nhưng nhu cầu thấp, không thể huy động; trong khi đó, miền Bắc có phụ tải tăng cao thì việc phát triển năng lượng tái tạo lại không hiệu quả bằng do đặc thù về khí hậu.
Mặt khác, việc phát triển lưới điện truyền tải mang tính chất chiến lược để đưa điện từ miền Trung và Nam ra miền Bắc lại rất chặt chẽ trong thu xếp vốn, xây dựng cũng như giải phóng mặt bằng.
Vì thế, chúng ta cần có những giải pháp mang tính tích cực hơn, chủ động hơn để ứng phó, đặc biệt là trong năm 2024 sắp tới.
Nhiều chuyên gia cũng như chính Bộ Công Thương cũng cho rằng, năm 2024 rất có thể chúng ta tiếp tục đối diện với việc thiếu điện. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ngay từ giữa năm 2023, chúng tôi đã nhiều lần nêu lên những lo ngại trong câu chuyện cung ứng điện cho năm 2024. Tuy nhiên vừa rồi, chúng ta cũng thấy rằng đã có những tín hiệu tốt, ví dụ như lượng mưa ở thượng nguồn tăng; phía EVN cũng đang rất chủ động, tích cực trong trữ nước để có thể đáp ứng được nhu cầu điện tăng cao trong mùa khô năm 2024 sắp tới. Chính phủ cũng đã nhận thức các thách thức trong phát triển bền vững, một mặt chuyển sang sử dụng nhiều hơn các nguồn năng lượng tái tạo nhưng vẫn phải đảm bảo nguồn điện chạy nền. Việc điều chỉnh giá điện 2 lần trong năm 2023 vừa qua cũng là những tín hiệu tích cực để đảm bảo cho EVN có tình trạng tài chính tốt hơn và có nguồn tiền để chi trả cho các nguồn điện từ khối tư nhân.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể bỏ qua thách thức rất lớn trong việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống lưới điện truyền tải xương sống Bắc Nam. Vấn đề này Chính phủ đã có chỉ đạo mạnh mẽ trong thời gian vừa qua, đặt ra mục tiêu cho ngành điện phải làm sao hoàn thành việc xây dựng đường dây 500 kV mạch 3 trong thời gian ngắn nhất để đưa điện từ miền Trung, miền Nam ra miền Bắc trong giai đoạn có thể gặp khó khăn về cung ứng điện. Chúng ta cũng đã có những cái giải pháp đàm phán với Lào để mua điện từ các dự án thủy điện, điện gió, điện mặt trời.
Rõ ràng, về chuẩn bị để ứng phó cung ứng điện năm 2024 thì theo tôi đánh giá, chúng ta đang đi theo hướng rất tốt, một mặt chúng ta đã có chủ động về nguồn cung nội tại và mặt khác những nguồn điện mà chúng ta đặt mua ở nước ngoài đa phần là nguồn điện sạch, điện tái tạo.
Như vậy, tôi hy vọng việc thiếu điện trong năm 2024 nếu có xảy ra cũng chỉ trong thời gian rất ngắn và mang tính chất cục bộ tại một số khu vực. Nhìn tổng thể, tôi có kỳ vọng tương đối tươi sáng trong việc cung ứng điện năm 2024.
Theo ông, trong thời gian trung hạn và dài hạn, chúng ta cần làm gì để có thể giảm nỗi lo về thiếu điện?
Về mặt trung hạn cũng như dài hạn, chúng ta vẫn phải tiếp tục xem xét phát triển hệ thống lưới điện và đẩy mạnh tiến độ xây dựng nguồn điện ở khu vực miền Bắc; đặc biệt như các dự án điện khí LNG, hay đề xuất các cơ chế chính sách giúp giải tỏa khó khăn cho doanh nghiệp để đầu tư cung ứng điện tự dung, điện mặt trời mái nhà.
Tôi nghĩ rằng ưu tiên sắp tới của Chính phủ trong cuối năm nay hoặc đầu năm sau sẽ là hoàn thiện và ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, tạo cơ sở, niềm tin cho các nhà đầu tư tư nhân cũng như các địa phương, chủ động về hồ sơ, thủ tục liên quan đến vấn đề cấp giấy phép đầu tư, giải phóng mặt bằng…
Trân trọng cảm ơn ông.