Doanh nghiệp chuẩn bị hàng hóa dồi dào
Theo ước tính của Sở Công Thương Nghệ An về lương thực, nhu cầu tiêu dùng của người dân tỉnh Nghệ An trên 26.000 tấn/tháng. Nguồn cung cấp chủ yếu vẫn là từ các Công ty Cổ phần Lương thực Thanh Nghệ Tĩnh, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nông sản Nghệ An, Công ty Thành Sang..., cùng mạng lưới chi nhánh đại lý và cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ.
Còn tại khu vực nông thôn thì phần lớn người dân tiêu dùng lúa gạo tự sản xuất, chiếm 40% mức tiêu thụ chung của tỉnh. Để tạo thuận lợi cho người dân mua sắm Tết, các công ty lương thực cũng đã xây các quầy hàng sản phẩm phục vụ Tết và niêm yết giá theo cam kết.
Bên cạnh dự trữ, cung cấp nguồn lương thực, hiện nay, tại các trung tâm thương mại, siêu thị quy mô, nhóm thực phẩm, gồm: thịt gia súc, đặc biệt là thịt lợn, thịt bò, thịt gà có nguồn gốc xuất xứ và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đã được các đơn vị kinh doanh này nhập về khối lượng lớn hơn. Riêng tại Siêu thị BigC Vinh đang thực hiện kí kết với các công ty chăn nuôi giết mổ để đảm bảo cung ứng sản lượng thịt theo kế hoạch phục vụ thị trường Tết và sau Tết.
Hiện nay, nhu cầu sử dụng thực phẩm trong những ngày Tết đã có sự thay đổi khá lớn. Bên cạnh thịt lợn, thịt bò, thực phẩm như rau củ, trái cây, thực phẩm chế biến sẵn, được người dân ưa chuộng…
Ông Trần An Khang - Giám đốc Siêu thị BigC Vinh cho biết, BigC Vinh đã chuẩn bị xong lượng hàng hóa thiết yếu lớn, có thể cung ứng đầy đủ cho trước, trong và sau Tết Tân Sửu với tổng giá trị lên đến gần 180 tỷ đồng. Dịp này, dự kiến sức mua tăng trưởng 148% so với năm trước. Từ nay tới Tết Nguyên đán, hệ thống Big C sẽ triển khai đồng loạt các chương trình khuyến mãi như “giá luôn luôn thấp” áp dụng với hơn 7.000 sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, cam kết không tăng giá bán Tết đối với hơn 10.000 sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh...
Bên cạnh đó, BigC chuẩn bị các loại giỏ quà Tết gói theo yêu cầu của cá nhân và doanh nghiệp. Các mẫu giỏ quà được trang trí bắt mắt và có mức giá thấp nhất từ 200.000 đồng/giỏ đến gần 2 triệu đồng/giỏ.
Năm 2020, dịch tả lợn châu Phi bùng phát trở lại khiến tổng sản lượng thịt lợn sụt giảm, khan hiếm nghiêm trọng trong những tháng qua. Giá thịt lợn đã tăng gấp đôi, từ 80-90 nghìn đồng/kg lên 160-180 nghìn/kg. Để góp phần cung cấp thịt lợn cho nhu cầu thực phẩm của người dân, từ huyện, thị đến thành phố Vinh, hệ thống các cửa hàng, quầy hàng kinh doanh theo mô hình tiện dụng mua sắm như Vinmart, thực phẩm xanh Bibigreen,… đã nhập thịt lợn và các sản phẩm từ thịt nhiều hơn so với nhóm hàng khác.
Song song với các loại thịt gia súc, gia cầm thì nhu cầu tiêu thụ thủy hải sản tháng Tết sẽ rơi vào khoảng trên 3.000 tấn. Chỉ riêng mặt hàng này, các doanh nghiệp khai thác, chế biến của Nghệ An không những cung cấp đủ trong tỉnh, mà còn đáp ứng cho thị trường các tỉnh thành khác.
Theo ông Hồ Mạnh Hoàn - Giám đốc Công ty cổ phần Biển Quỳnh, thị xã Hoàng Mai: Công ty đã kí hợp đồng với tàu thuyền khai thác hàng năm nên nguồn gốc, số lượng và giá cả ổn định. Công ty hiện đang dự trữ hàng hóa phục vụ Tết trên 50 tấn hải sản.
Cân đối cung cầu, bình ổn thị trường
Theo Sở Công Thương Nghệ An, dịp Tết Nguyên đán 2021, hoạt động kinh doanh thương mại dự báo sẽ sôi động, nhu cầu mua sắm sẽ tăng từ 3-20% theo từng nhóm hàng.
Để chủ động nguồn cung và ổn định giá cả cho thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2021, ngành công thương Nghệ An đang triển khai thực hiện công tác đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường phục vụ Tết; kịp thời phát hiện, đề xuất UBND tỉnh xử lý những tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện.
Cùng với đó, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu phương án dự trữ hàng hóa nhằm đảm bảo ổn định thị trường, cung cầu hàng hóa; chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tập trung đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh chủ động nghiên cứu thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất, dự trữ hàng hóa nhằm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định để đảm bảo lượng hàng cung ứng cho thị trường trong dịp Tết.
Các doanh nghiệp phân phối thực phẩm như siêu thị, trung tâm thương mại,… chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi tập trung xây dựng phương án đảm bảo nguồn cung thịt lợn và các sản phẩm thay thế thịt lợn.
Hàng hóa lương thực thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu chủ yếu đến từ 3 nguồn hàng: nguồn hàng từ doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường; từ chợ đầu mối và từ các doanh nghiệp khác.
Từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Sở Công Thương Nghệ An sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, các chương trình kích cầu, mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa, thực hiện các chương trình hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong dịp trước, trong và sau Tết; chú trọng đến các mặt hàng thiết yếu, phục vụ Tết để cung ứng sớm và đầy đủ cho người dân, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa đảm bảo số lượng, chất lượng.
Bà Trần Thị Mỹ Hà - Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương Nghệ An cho biết thêm: Để kiểm soát cân đối cung cầu, chống đầu cơ tích trữ, tăng giá, ngành Công Thương đã triển khai một số giải pháp ngay từ đầu tháng cao điểm.
Ngoài việc tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo các cấp ngành liên quan, Sở đã đốc thúc, chỉ đạo các đơn vị đầu mối thương mại cam kết xây dựng kế hoạch tập kết, chuẩn bị hàng hóa đảm bảo về số lượng, giá cả; khuyến khích các đơn vị, tổ chức doanh nghiệp mở rộng kinh doanh, khuyến mại để kích cầu thị trường; sở ngành thường xuyên kiểm soát thị trường để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
Nghệ An cũng yêu cầu các doanh nghiệp kiểm soát tốt hàng hóa đầu vào; bố trí nhân lực, vật lực để đảm bảo hàng hóa nhập khẩu về và xuất đi; hàng trung chuyển cho người dân phải được phun khử khuẩn đầy đủ, tránh lây nhiễm COVID-19.
Là địa phương có địa hình lớn, thế nhưng Nghệ An chủ yếu là các cơ sở sản xuất nhỏ, hơn 80% là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ uống chưa đa dạng. Do đó, các sản phẩm của địa phương không đủ đáp ứng nhu cầu mà phải nhập từ các địa phương khác và từ nguồn nhập khẩu.
Tuy nhiên, Nghệ An có hệ thống bán buôn bán lẻ đa dạng với 17 trung tâm thương mại, 95 siêu thị, ngoài ra còn hơn 100 cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi hiện đại hoạt động theo mô hình chuỗi đang phát triển nhanh, nên phục vụ tương đối tốt người dân, không có sự bất ổn về giá.