Từ đầu năm đến nay, xăng RON 92 đã giảm tổng cộng 4.250 đồng/lít. Tuy nhiên trả lời phóng viên Báo Tin Tức chiều 9/11, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết: Miền Nam vừa công bố giảm giá một số mặt hàng lương thực, thực phẩm từ 1.000- 5.000 đồng/sản phẩm; nhưng miền Bắc vẫn “im lặng như tờ”. Vận tải không thể giữ giá cướcCách đây không lâu, dư luận đã lên tiếng về việc giá xăng dầu liên tục giảm nhưng giá cước vận tải và hàng hóa tiêu dùng thiết yếu lại không giảm. Bộ Tài chính tỏ vẻ “sốt ruột” đã đã ban hành văn bản hỏa tốc đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và các địa phương chỉ đạo doanh nghiệp vận tải tính toán giá thành, kê khai lại giá cước phù hợp với biến động giảm của chi phí nhiên liệu.
Giá lương thực, thực phẩm tại miền Bắc chưa giảm. Ảnh: Lê Phú |
“Qua theo dõi và phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng, giá các mặt hàng tiêu dùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của giá nhiên liệu chưa có dấu hiệu giảm. Trong đó cước vận tải chịu tác động trực tiếp của giá xăng dầu cũng chưa giảm tương ứng gây nên nhiều ý kiến trong dư luận xã hội”, một lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết.
Theo các chuyên gia kinh tế, chỉ cần giá xăng dầu giảm 5 - 6% thì doanh nghiệp vận tải đã có thể giảm giá cước vận chuyển; trong đó doanh nghiệp taxi có thể giảm giá cước tới 10%. Một chuyên gia trong lĩnh vực vận tải cho rằng, với mức giảm xăng dầu hiện nay, giá cước taxi có thể giảm được là 600 - 1.000 đồng/km. Giá xăng đã giảm tổng cộng 4.250 đồng/lít (14%) thì không có lý do gì để ngành vận tải giữ giá cước ở mức cao như thời điểm hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam (VATA) cho hay: Xăng dầu chiếm khoảng 40 - 50% giá cước vận tải, trong khi đó giá xăng, dầu đến nay đã giảm sâu nên VATA đề nghị các doanh nghiệp thành viên giảm giá. Tuy nhiên, giảm bao nhiêu còn phải tính toán, cân nhắc và phải có độ trễ chứ không thể xăng dầu giảm giá là cước vận tải giảm ngay. Ngay cả khi giá xăng dầu tăng, VATA cũng đề nghị các doanh nghiệp tiết giảm chi phí chứ cực chẳng đã mới tăng giá.
Hiệp hội Ô tô Việt Nam cho biết: Tuyến vận tải từ Bến xe ô tô miền Đông (TP Hồ Chí Minh) đi miền Trung đã có vài doanh nghiệp giảm giá cước với biên độ nhẹ, các tuyến khác chưa có động thái gì. Công ty Vận tải hàng hóa Minh Liên đang tính toán để giảm cước cho khách hàng.
Tại Hà Nội, trước đó có Hãng Taxi Group giảm giá 300 đồng/km cho 30 km đầu tiên sau những lần giá xăng dầu giảm liên tiếp. Còn Taxi Mai Linh cho biết, tuần tới hãng này mới có thông tin chi tiết về việc giảm giá cước. Hãng taxi Dầu khí cũng đang tính toán để điều chỉnh. “Mức giảm cụ thể đang được cân nhắc và nếu thuận lợi thì trong hai ngày là có thể hoàn tất việc kiểm định đồng hồ cước”, lãnh đạo Taxi Dầu khí cho biết.
Giá thực phẩm mới chỉ giảm ở miền Nam Theo Hiệp hội siêu thị Hà Nội, các mặt hàng thực phẩm ở miền Nam vừa được công bố giảm từ 1.000 - 5.000 đồng/sản phẩm. Cụ thể, tại thị trường TP Hồ Chí Minh giá thịt vịt giảm 5.000 đồng/kg (từ 70.000 đồng xuống còn 65.000 đồng/kg); giá trứng gà, vịt giảm 1.000 đồng/chục; giá thịt heo cũng giảm từ 1.000 - 3.000 đồng/kg tùy loại… Ông Văn Đức Mười - Tổng Giám đốc Công ty Vissan cho hay: Giá các sản phẩm thịt lợn bán ra của Vissan hiện giảm từ 3.000 - 5.000 đồng/kg (tùy loại).
Trong khi đó, tại Hà Nội, theo khảo sát của phóng viên báo Tin Tức sáng 9/10 tại một số siêu thị Fivimart, Lotte Mart, Hapro; chợ Thành Công, chợ Mơ, giá các mặt hàng vẫn chưa có gì thay đổi. Bà Nguyễn Thị Yến, phố Bạch Mai (Hà Nội) cho biết: Giá rau và các loại thịt vẫn được bán ở mức cũ.
“Các doanh nghiệp thương mại lớn ở Hà Nội chưa có động thái nào giảm giá hàng hóa. Còn giá cước vận tải, nơi giảm, nơi chưa và mức giảm thì rất “nhỏ giọt”, ông Vũ Vinh Phú cho biết.
Theo các chuyên gia thương mại, các cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh, kiểm tra giá cả ở những mặt hàng thiết yếu như: Lương thực, thực phẩm, rau quả, đường sữa, dầu ăn. Các doanh nghiệp nên chủ động làm việc với các nhà sản xuất, cung ứng trực tiếp sản phẩm để giảm giá hàng hóa, tránh tình trạng phải qua quá nhiều hệ thống phân phối trung gian như hiện nay.
Còn theo ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thì: Hầu hết các sản phẩm hàng hóa trên thị trường đều đã vận hành theo cơ chế thị trường. Vì vậy, việc tăng, giảm giá phải phụ thuộc vào cung - cầu của thị trường, không thể áp đặt mệnh lệnh hành chính để buộc kéo giá xuống.
Minh Phương- Tiến Hiếu