Phát biểu trước báo giới nhân dịp tròn hai năm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính làm rung chuyển Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và đẩy quốc đảo Địa Trung Hải này bên bờ vực phá sản, Bộ trưởng Tài chính Cyprus Harris Georgiades tuyên bố nền kinh tế Cyprus đang phục hồi dù chưa thoát khỏi tăng trưởng âm, nhưng mỗi quý đều có dấu hiệu cải thiện rõ rệt. Ông Georgiades dự đoán kinh tế Cyprus sẽ đạt tốc độ tăng trưởng dương trong năm nay.
Tháng 3/2013, Cyprus đã đạt được thỏa thuận về gói cứu trợ chung trị giá 10 tỷ euro từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm cứu hệ thống ngân hàng nước này thoát khỏi nguy cơ sụp đổ. Chính phủ Cyprus đã buộc đóng cửa toàn bộ các ngân hàng trong 2 tuần và áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn ngặt nghèo sau khi các ngân hàng mở cửa lại. Cho đến nay, một số biện pháp vẫn được duy trì và Cyprus đã nhận được hơn 6 tỷ euro trong gói cứu trợ 10 tỷ euro trên.
Bộ trưởng Tài chính Cyprus Harris Georgiades. |
Theo Bộ trưởng Tài chính Georgiades, Cyprus đã đạt được tiến bộ đáng kể từ thời điểm xảy ra khủng hoảng. Tỷ lệ thất nghiệp bắt đầu giảm, khu vực tài chính công được kiểm soát, hệ thống ngân hàng đã hoạt động ổn định. Ngoài ra, tỷ lệ lạm phát của Cyprus đã ở mức an toàn, một thành tích mà nhiều quốc gia thành viên khác của EUđang cố gắng để đạt được.
Ông Harris Georgiades cho rằng do môi trường kinh tế thuận lợi, Cyprus sẽ không cần hết toàn bộ gói cứu trợ như đề xuất ban đầu. Tuy nhiên, ông khẳng định sẽ tiếp tục duy trì chính sách "thắt lưng buộc bụng" thông qua chương trình cải cách cơ cấu nhằm hướng tới giai đoạn phục hồi lâu dài.
Trong diễn biến liên quan, ngày 12/3, Thủ tướng Hy Lạp, Alexis Tsipras tái khẳng định với các đối tác thuộc Eurozone rằng Athens sẽ bám sát và thực hiện những nghĩa vụ đi kèm với gói cứu trợ đã thỏa thuận với các chủ nợ quốc tế, bất chấp việc chưa được giải ngân khoản tiên trợ giúp mới nhất.
Chính phủ Hy Lạp thông báo đã chính thức thiết lập quan hệ đối tác với Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) để soạn thảo những cải cách kinh tế, mà Thủ tướng Tsipras cho là sẽ giúp xây dựng lòng tin của các nhà chủ nợ quốc tế. Tổng Thư ký OECD Angel Gurria xác nhận hai bên đã ký văn kiện tăng cường hợp tác và thảo luận một loạt cải cách liên quan các vấn đề thuế, chống tham nhũng, tăng việc làm và giải thể những thể chế đang kìm hãm nền kinh tế Hy Lạp.
Tổng Thư ký Gurria nhấn mạnh việc thiết lập quan hệ đối tác mới không đồng nghĩa OECD sẽ thay thế các đối tác quốc tế khác của Hy Lạp, đồng thời khẳng định OECD đã cam kết cung cấp cho Athens sự hỗ trợ kỹ thuật cần thiết để những cải cách này được thực hiện một cách hiệu quả về tài chính và xã hội.
Tại OECD, ông Tsipras nhấn mạnh tái cơ cấu nợ là vấn đề sống còn đối với Hy Lạp, khi nợ công của đất nước đang ở mức tương đương 178% GDP. Trong riêng tháng này, Chính phủ Hy Lạp cần phải huy động được khoảng 6 tỷ euro (7 tỷ USD) để thanh toán những khoản nợ đáo hạn, bao gồm 1,5 tỷ euro trả cho IMF.
Trà My - TTG