Trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang). Ảnh: Minh Trí/TTXVN |
Theo đó, liên danh nhà đầu tư và Bộ Giao thông Vận tải đã thông qua phương án giảm phí BOT. Với toàn bộ các phương tiện qua trạm, mức phí thấp nhất là 25.000 đồng (mức cũ là 35.000 đồng) cho xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn; cao nhất là 140.000 đồng (mức cũ là 180.000 đồng) mỗi lượt cho xe tải từ 18 tấn trở lên, xe container trên 40 feet.
Người dân không kinh doanh vận tải tại 4 xã sống gần trạm thu phí là Phú Nhuận, Mỹ Thành Nam, Bình Phú và Phú An thuộc huyện Cai Lậy sẽ được miễn phí qua trạm. Các phương tiện kinh doanh vận tải tại các xã nêu trên và xe buýt nội tỉnh Tiền Giang được giảm 50% mức phí. Đại diện chủ đầu tư cho hay sẽ tiến hành thu phí lại trong tháng 10 này.
Trạm thu phí Cai Lậy bắt đầu hoạt động từ ngày 1/8 và ngay lập tức bị nhiều lái xe phản ứng vì họ cho rằng mức phí cao, trạm đặt sai vị trí. Nhiều lái xe phản đối bằng cách sử dụng tiền lẻ để mua vé khiến thời gian qua trạm kéo dài, dẫn đến ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Ngày 15/8, chủ đầu tư đã quyết định tạm dừng thu phí phương tiện.
Cũng liên quan đến giảm phí BOT, trong ngày 6/10, Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông báo kết quả buổi làm việc giữa Tổng cục với UBND tỉnh Quảng Bình, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Bình và Công ty Tasco – nhà đầu tư dự án Quốc lộ 1, tỉnh Quảng Bình.
Theo đó, các bên thống nhất xác định vùng ảnh hưởng và bản đồ địa giới hành chính khu vực trạm thu phí là các địa bàn trong phạm vi bán kính so với trạm thu từ 3km đến 5km. Loại phương tiện giảm giá và mức giá giảm được thống nhất như sau: xe buýt nội đô giảm 100%, các loại phương tiện không sử dụng để kinh doanh 50%, các loại phương tiện khác từ 10% đến 40%.
Để thực hiện công tác này, UBND tỉnh Quảng Bình có trách nhiệm xác định danh sách phương tiện được giảm giá, cung cấp cho nhà đầu tư, doanh nghiêp trước ngày 7/10/2017. Căn cứ vào danh sách phương tiện được giảm giá do UBND tỉnh Quảng Bình xác nhận, nhà đầu tư tra soát trên phần mềm thu giá xác định số lượng xe thuộc đối tượng giảm qua trạm từ ngày 1/1/2017 đến 30/9/2017.
Sau đó, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án cập nhật số lượng xe được giảm giá thực tế qua trạm và các chỉ tiêu tài chính, xây dựng phương án giảm giá trên cơ sở đúng quy định và đảm bảo khả thi về phương án tài chính. Nhà đầu tư phải gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam báo cáo đề xuất phương án giảm giá kèm theo phương án tài chính trước ngày 10/10/2017. Trên cơ sở đó, Tổng cục Đường bộ đề xuất bộ Giao thông Vận tải quyết định.