Phát triển những cánh đồng điện gió
Sóc Trăng là tỉnh nằm ở vùng hạ lưu Đồng bằng sông Cửu Long, có chiều dài bờ biển khoảng 72 km, có vùng bãi bồi ven biển rộng lớn với trên 50.000 ha là những địa bàn có thể phát huy để đầu tư xây dựng những cánh đồng điện gió lớn. Không chỉ thuận lợi trong phát triển các ngành khai thác, nuôi trồng thủy sản, cảng biển, logistics, du lịch… trong phát triển kinh tế xã hội, mà Sóc Trăng còn có lợi thế lớn trong phát triển năng lượng điện gió với quy mô công nghiệp.
Số liệu khảo sát của Tập đoàn ENERCON, đơn vị chuyên về sản xuất thiết bị điện gió hàng đầu thế giới của Cộng hòa liên bang Đức cho thấy, tại các vùng ven biển Sóc Trăng, việc đầu tư phát triển điện gió rất thuận lợi, do bờ biển ở đây dài và rộng, sức gió nhiều và mạnh hơn các tỉnh duyên hải trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, điều kiện triển khai xây dựng điện gió cũng thuận lợi.
Ở độ cao 60m, tốc độ gió trung bình là 6,3 m/s, ở độ cao 120 m tại khu vực bãi bồi ven biển thì tốc độ gió đạt trung bình khoảng 8,3m/s. Với tiềm năng đó, theo số liệu tính toán của nhà đầu tư, Sóc Trăng có thể phát triển nhiều cánh đồng điện gió với tổng công suất 1,55 GW, nếu huy động được lượng vốn đầu tư khoảng 3 đến 4 tỷ USD.
Theo phê duyệt quy hoạch của Bộ Công Thương về phát triển điện gió tỉnh Sóc Trăng giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Sóc Trăng sẽ có 3 vùng quy hoạch phát triển điện gió bao gồm: Vùng 1 được phân bổ tại khu vực bãi bồi ven biển thị xã Vĩnh Châu, huyện Trần Đề và huyện Cù Lao Dung có diện tích 21.900 ha, công suất dự kiến 860 MW, vận tốc gió trung bình 6,4m/s.
Vùng 2 phân bổ ở khu vực đất liền ven biển thị xã Vĩnh Châu và huyện Trần Đề có diện tích 7.500 ha, công suất dự kiến 295 MW, vận tốc gió 6m/s. Vùng 3 phân bổ tại khu vực đất liền thi xã Vĩnh Châu có diện tích 7.940 ha, công suất dự kiến 315 MW, vận tốc gió 6,2m/s. Riêng giai đoạn sau năm 2020, công suất lắp đặt tích lũy đạt khoảng 200 MW với sản lượng điện gió tương ứng là 470 triệu KWh.
Đến thời điểm cuối năm 2020, tỉnh đã khởi công được 8 dự án. Hiện khả năng truyền tải của lưới điện đã được Bộ Công thương và Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung quy hoạch với 20 dự án, tổng quy mô công suất 1.435MW, các dự án này đang triển khai khởi công, dự kiến đến tháng 10 năm 2021 đưa vào vận hành 8 dự án, các dự án còn lại sẽ đưa vào vận hành trong những năm 2022 - 2023.
Phong phú nguồn điện mặt trời và sinh khối
Bên cạnh tiềm năng phát triển điện gió, tỉnh Sóc Trăng còn có tiềm năng rất lớn về năng lượng mặt trời. Số liệu đo đạc khảo sát của các nhà đầu tư cũng cho thấy, số giờ nắng trong năm ở tỉnh Sóc Trăng khá cao, dao động từ 2.300 giờ đến 2.480 giờ/năm.
Theo Đề án phát triển điện mặt trời tỉnh Sóc Trăng đến năm 2030 đã được Bộ Công Thương thống nhất và các dự án ngoài đề án thì toàn tỉnh xin đề xuất cập nhật vào quy hoạch điện VIII, với quy mô công suất khoảng 1.775 MWp. Dự kiến từ nay đến năm 2030, toàn tỉnh Sóc Trăng sẽ có 17 dự án điện mặt trời quy mô công nghiệp với tổng công suất 975MWp.
Hiện tỉnh đã trình Bộ Công Thương 6 dự án, tổng công suất 147 MWp để bổ sung vào quy hoạch điện lực và đang lập thủ tục trình 1 dự án chuyển đổi đất nông nghiệp sang dự án điện mặt trời kết hợp với nông nghiệp công nghệ cao với công suất 500 MWp. Về điện mặt trời áp mái, hiện Sóc Trăng đã có trên 500 tổ chức, cá nhân đã sử dụng điện mặt trời áp mái với tổng công suất trên 10MWp. Như vậy, đến năm 2025, Sóc Trăng dự kiến sẽ có nguồn điện mặt trời với tổng công suất khoảng 647 MWp.
Tiềm năng phát triển điện sinh khối của Sóc Trăng cũng khá lớn bởi là tỉnh nông nghiệp, nơi đây có rất nhiều nguyên liệu để phát triển điện sinh khối như bã mía, trấu, rơm rạ, chất thải rắn... Ngoài hiệu quả về kinh tế, điện sinh khối góp phần lớn làm sạch môi trường. Năm 2017, Sóc Trăng đã đầu tư nhà máy điện bã mía với công suất 12 MW, thuộc Công ty Mía đường Sóc Trăng, với sản lượng điện đủ phục vụ cho nhu cầu của nhà máy và còn thừa để bán cho Điện lực Sóc Trăng hòa vào lưới điện quốc gia.
Để tận dụng phế phẩm trấu từ các nhà máy xay sát lúa gạo, một số nhà đầu tư đã xin chủ trương khảo sát đầu tư 1 nhà máy điện trấu, với công suất 25 MW; dự kiến năm 2021 sẽ được khởi công xây dựng. Ngoài ra, Sóc Trăng còn quan tâm, xem xét dự án xây dựng nhà máy điện, từ nguồn nguyên liệu rơm rạ và chất thải rắn, với công suất 10 MW. Đây cũng là những bước đi tiếp theo trong định hướng hình thành và phát triển nền kinh tế tuần hoàn của tỉnh.
Thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo
Mặc dù có địa thế thuận lợi cũng như được địa phương quan tâm, nhưng theo ông Lê Thành Thanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng thì hiện nay tỉnh vẫn đang gặp một số khó khăn để phát triển điện gió, điện mặt trời do hạ tầng lưới điện truyền tải phát triển còn chậm tiến độ so với quy hoạch; chưa đáp ứng kịp thời để giải tỏa công suất của các nhà máy điện gió theo nhu cầu đăng ký của nhà đầu tư.
Do đó, để góp phần thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ triển khai một số giải pháp trong phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, tỉnh cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án điện gió đã khởi công, sớm đưa vào vận hành đảm bảo đúng tiến độ.
Đồng thời, phối hợp tốt với các ngành để tham mưu UBND tỉnh tranh thủ các nguồn vốn từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để đầu tư hệ thống lưới điện truyền tải đồng bộ với các dự án năng lượng tái tạo theo Quy hoạch điện VIII đã được duyệt. Cùng đó, hỗ trợ triển khai xây dựng hoàn thành các đường dây 110kV và trạm biến áp 220kV để đưa vào vận hành theo kế hoạch nhằm bảo đảm giải tỏa được công suất cho các dự án điện gió.
Bên cạnh đó, ngành công thương Sóc Trăng cũng sẽ rà soát, đánh giá tiềm năng và thực trạng phát triển nguồn điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, trong đó, nghiên cứu đánh giá các vùng biển ngoài khơi có tiềm năng phát triển điện gió, làm cơ sở tham mưu đề xuất để tích hợp vào Quy hoạch điện VIII. Đồng thời, nghiên cứu các mô hình kết hợp trong phát triển năng lượng tái tạo như: mô hình điện mặt trời kết hợp với sản xuất nông nghiệp, điện mặt trời kết hợp với nuôi trồng thủy sản. Theo đó, đẩy mạnh các giải pháp khuyến khích hộ gia đình và doanh nghiệp sử dụng điện mặt trời áp mái giúp giảm chi phí tiền điện và góp phần tạo thêm nguồn năng lượng sạch, bảo vệ môi trường.
Theo ông Võ Văn Chiêu, Giám đốc Sở Công Thương Sóc Trăng, phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối có từ thiên nhiên mà địa phương có thế mạnh đóng vai trò hết sức quan trọng, vừa góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế chung của tỉnh, vừa góp phần bảo vệ môi trường, đồng thời tạo thêm việc làm cho lao động địa phương.
Vì vậy, có thể khẳng định, phát triển năng lượng tái tạo là chủ trương đúng của lãnh đạo địa phương, nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Với những giải pháp phù hợp và sự tích cực phối hợp trong triển khai các dự án năng lượng tái tạo, tỉnh Sóc Trăng hy vọng sẽ phát huy được thế mạnh, tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo. Điều này góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững về kinh tế - xã hội, sớm đưa Sóc Trăng trở thành địa phương có nền nông nghiệp sạch, năng lượng tái tạo phát triển mạnh phục vụ mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở vùng nông thôn, ven biển, giải quyết việc làm, tạo cảnh quan du lịch thu hút du khách...