Theo đó, các ngành chức năng của thành phố sẽ xem xét điều chỉnh cơ cấu diện tích sàn nhà ở thương mại, nhà ở xã hội hoặc xem xét cho phép điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng nhà ở sang làm nhà ở xã hội hoặc làm nhà ở phục vụ tái định cư nhằm đa dạng hóa sản phẩm, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy thị trường bất động sản Thủ đô.
Phát triển đa dạng các sản phẩm nhà ở
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Trí Dũng cho biết, để chủ động đáp ứng quỹ nhà ở xã hội, thành phố đã thống nhất thông qua chủ trương xây dựng 4 khu nhà ở xã hội tập trung và hiện đã giao cho các nhà đầu tư lập quy hoạch chi tiết. Đó là hai khu nhà ở tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh (73,23 ha); 1 khu tại xã Cổ Bi, Gia Lâm (39,12 ha); 1 khu tại xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì (41,52 ha). Sau khi quy hoạch được phê duyệt, thành phố sẽ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện dự án. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, Hà Nội sẽ có thêm 40 dự án nhà ở xã hội với gần 3,3 triệu m2 sàn nhà ở.
Dự án nhà ở xã hội Đồng Mồ - Đại Kim (quận Hoàng Mai, Hà Nội) vừa hoàn thành, đưa vào sử dụng, góp phần giải quyết chỗ ở cho hàng nghìn người dân thu nhập thấp. Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN |
Mới đây nhất, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2, tại 6 ô đất được xác định để xây nhà ở xã hội với chiều cao công trình 9 tầng, nay được điều chỉnh giảm chiều cao xuống 6 tầng. Khu vực điều chỉnh có diện tích khoảng 52.367 m2, quy mô dân số 3.150 người.
Theo UBND thành phố Hà Nội, mục đích của việc điều chỉnh quy hoạch này nhằm đảm bảo dự án khả thi phù hợp với nhu cầu về nhà ở tại khu vực, tạo điều kiện tiếp cận sử dụng cho người có thu nhập thấp; đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, góp phần hoàn thiện cả khu đô thị.
Mặt khác, ở phân khúc nhà ở thương mại, Sở Xây dựng Hà Nội vừa công bố danh sách 113 dự án bất động sản hình thành trong tương lai đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định. Trong đó, có những dự án có quy mô lớn hàng ngàn căn hộ, tập trung chủ yếu ở các quận như: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Ba Đình, Cầu Giấy…
Điển hình là các khu đô thị: Thành phố Giao Lưu do Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội làm chủ đầu tư với 2.732 căn); Thành phố Xanh (Vinhomes Gardenia 2.374 căn)); Dự án Khu chức năng đô thị tại khu đất Dệt 8/3 và Hanosimex 460 Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng và số 25 ngõ 13 đường Lĩnh Nam, Mai Động, Hoàng Mai (2.3 căn); Tổ hợp văn phòng, nhà ở cao cấp kết hợp dịch vụ thương mại HBI (quận Thanh Xuân 1.6 căn); dự án khu nhà ở của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản HTL Việt Nam (quận Hoàng Mai 1.966 căn); Tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ cao cấp Vinhomes Metropolis (quận Ba Đình 1.576 căn); Dự án tổ hợp nhà liền kề, trung tâm thương mại và căn hộ 82 Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân…
Cũng theo ông Nguyễn Trí Dũng, Sở vừa có văn bản yêu cầu các chủ đầu tư kiểm tra, rà soát tất cả các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn, báo cáo Sở trước ngày 16/2/2017. Đồng thời, Sở cũng tiến hành lập kế hoạch rà soát các văn bản pháp quy liên quan đến công tác quản lý nhà và kinh doanh bất động sản đối chiếu với quy định của các Luật liên quan để đề xuất thành phố điều chỉnh theo quy định. Trong năm 2017, Sở tiếp tục hoàn chỉnh quy định về cải tạo xây dựng mới nhà chung cư cũ để trình UBND thành phố ban hành sau khi HĐND thành phố thông qua Nghị quyết về cơ chế khung.
Cũng theo lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, song song với công tác phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, Sở sẽ tập trung chỉ đạo các đơn vị liên quan nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nhà chung cư. Sở tiếp tục kiểm tra, đôn đốc UBND quận, phường, xã, thị trấn, các chủ đầu tư, đơn vị được giao quản lý vận hành nhà chung cư đẩy nhanh tiến độ tổ chức Hội nghị nhà chung cư để thành lâp Ban quản trị. Hiện nay, trong tổng số 166 toà nhà tái định cư, các đơn vị được giao quản lý vận hành mới thành lập được 21 Ban quản trị của 23 toà nhà. Vì vậy, Sở sẽ tập trung xây dựng quy định về quản lý, sử dụng kinh phí thu được từ hoạt động kinh doanh cho thuê đối với phần diện tích kinh doanh dịch vụ tại các nhà chung cư tái định cư để thực hiện bảo trì quỹ nhà này.
Bên cạnh đó, Sở phối hợp các quận, huyện kiểm ra việc quản lý sử dụng các căn hộ chung cư thương mại đảm bảo đúng mục đích sử dụng; tổ chức đấu giá cho thuê diện tích kinh doanh dịch vụ tại các nhà chung cư tái định cư đối với những địa điểm trống chưa bố trí sử dụng; các diện tích kinh doanh dịch vụ tại tầng 1 và diện tích khác thuộc các nhà chung cư thương mại phải bàn giao lại cho thành phố sau khi đã được xác lập sở hữu Nhà nước.
Hà Nội có nên xây nhà “siêu rẻ”?
Đề cập đến vấn đề Hà Nội nên xây dựng nhà chung cư giá rẻ (100 triệu đồng/1căn) phục vụ các đối tượng thu nhập thấp như tỉnh Bình Dương và Tp. Hồ Chí Minh hay không thì nhiều chuyên gia xây dựng tại Hà Nội cho rằng, với lợi thế là Thủ đô, là "trái tim" của cả nước, Hà Nội được tạo mọi điều kiện từ chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Hơn nữa, nơi đây còn tập trung nhiều kỹ sư, chuyên gia có trình độ lành nghề, kỹ thuật cao cũng như các công ty, doanh nghiệp lớn, nên việc triển khai xây dựng nhà giá rẻ tương đối thuận lợi.
Theo các chuyên gia, để có được quỹ nhà ở xã hội này, bên cạnh sự quyết tâm của lãnh đạo thành phố và các doanh nghiệp thì dự án phải được hưởng những ưu đãi như: không chịu chi phí về đất (bồi thường, tiền sử dụng đất); phí đầu tư hạ tầng và diện tích căn hộ khoảng 25 m2. Đặc biệt, các khu nhà ở xã hội giá rẻ còn phải gắn với những nơi đông công nhân lưu trú như khu chế xuất, khu công nghiệp.
Tuy nhiên, một số chuyên gia, doanh nghiệp cũng lo ngại về những hệ lụy từ loại hình nhà ở “siêu rẻ” này. Một số chuyên gia phân tích, việc xây dựng nhà ở quá rẻ sẽ càng thu hút thêm dân nhập cư mà đặc biệt là lao động chân tay về Thủ đô làm việc. Sức ép về dân số quá đông dẫn đến hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật ngày càng không đáp ứng được, phát sinh nhiều phức tạp về môi trường, xã hội...
Hay lãnh đạo một công ty bất động sản cũng cho rằng, không nên khuyến khích xây nhà 100 triệu đồng ở Thủ đô. Nguồn lực của thành phố phải tập trung cho các vấn đề cấp thiết khác, phải hướng tới mục tiêu quan trọng nhất là thay đổi chất lượng dân số. Thành phố nên quy định chủ đầu tư các khu công nghiệp phải làm nhà ở cho công nhân nhằm tạo điều kiện cho người lao động yên tâm làm việc lâu dài. Hoặc thành phố có thể xây nhà giá rẻ ở quanh các khu công nghiệp cho công nhân thuê với giá ưu đãi.
Các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh, để phát triển hiệu quả phân khúc nhà ở xã hội nói chung hay nhà “siêu rẻ” nói riêng, các đơn vị chức năng của Hà Nội phải khảo sát, điều tra sát nhu cầu thực tế, cụ thể đối với từng khu vực để phân bổ, bố trí xây dựng các dự án phù hợp, tránh tình trạng nhà bán không người mua, nhà chưa bán đã có “gạch xếp hàng”.