Đặc sản Tết nhộn nhịp xuất ngoại

Đến hẹn lại lên, các cơ sở sản xuất những món ăn truyền thống trong ngày Tết lại nhộn nhịp đóng gói hàng hóa để xuất ngoại đến với bà con người Việt tại nhiều quốc gia châu Âu, châu Mỹ và Australia. Trong đó, bánh chưng, bánh tét và nhiều loại bánh, mứt là những món ăn không thể thiếu.

Bánh chưng là đặc sản không thể thiếu trong ngày tết.


Bánh chưng, bánh tét đắt hàng


Tại cơ sở sản xuất bánh chưng Trần Gia (thành phố Biên Hòa, Đồng Nai), những ngày cuối năm ai cũng tất bật. Các lò bánh đỏ lửa 24/24 giờ để kịp hoàn thành các đơn đặt hàng cho ngày Tết. Ông Trần Thanh Toàn, chủ cơ sở sản xuất bánh chưng Trần Gia, cho biết cơ sở đã hoàn tất thủ tục xuất 60 tấn bánh chưng và nguyên liệu Tết sang gần 10 nước trên thế giới. Trong đó, có hơn 40 tấn bánh chưng được hút chân không bảo quản cẩn thận và hơn 20 tấn nguyên liệu, gồm lá dong, gạo nếp, khuôn gói bánh, một số gia vị để gói bánh.

Cũng theo ông Toàn, thị trường xuất khẩu bánh chưng lớn nhất của cơ sở là Canada với khoảng 15 tấn, tiếp đến là Australia với hơn 7 tấn. Còn nguyên liệu làm bánh chưng chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Mỹ. 

Không chỉ bánh chưng, những món ăn đặc trưng ngày Tết cũng được kiều bào ưa chuộng và đặt hàng nhiều. Ông Phan Quốc Nam, Giám đốc Công ty Long Uyên (Châu Thành, Tiền Giang) chuyên chế biến và xuất khẩu các sản phẩm trái cây, nông sản và đặc biệt là các loại bánh đặc sản, cho biết những mặt hàng phục vụ Tết đã được xuất đi cách nay khoảng 1 tháng để kịp đến với bà con người Việt đúng dịp Tết cổ truyền. Năm nay, mặt hàng chủ lực vẫn là bánh tét và một số loại khoai, củ đông lạnh với sản lượng tương đương năm ngoái (khoảng 20 tấn), trong đó xuất sang Bắc Âu 10 tấn và Đức 10 tấn.

Theo ông Phan Quốc Nam, bánh tét là hương vị đặc sản miền Tây nên mặt hàng này rất được bà con kiều bào yêu thích. Để có được bánh tét thơm ngon và giữ được lâu khi xuất khẩu đòi hỏi tay nghề cao của người thợ và phải thường xuyên được kiểm tra chặt chẽ về chất lượng trước khi đóng gói cho thị trường châu Âu. Theo quy định của nhiều nước châu Âu, trong bánh không được có nhân thịt, mỡ, do vậy chiếc bánh tét xuất khẩu chỉ có nhân đậu và nhân chuối. Các loại rau, củ đã qua sơ chế như khoai mì, khoai lang, khoai mỡ, nha đam, khổ qua, bí đao, bí đỏ, gấc, đậu bắp, bạc hà, tỏi, gừng, ớt... được sơ chế hoặc hấp chín (khoai mì) hay chiên (khoai lang) rồi đóng gói, đông lạnh trước khi xuất khẩu.

Tương tự, chủ cơ sở sản xuất bánh tét, bánh dừa (huyện Châu Thành, Bến Tre) cũng cho hay có 20 - 30 đơn hàng từ các đơn vị xuất khẩu với sản lượng 10.000 - 30.000 chiếc để xuất đi nước ngoài trong dịp Tết. Còn công ty TNHH Tân Đông (Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) cũng vừa hoàn tất sản phẩm làm hàng Tết xuất khẩu đi châu Âu và Australia. Anh Trần Thanh Phú, Giám đốc công ty Tân Đông, cho biết năm nay khách đặt hàng nhiều và thêm nhiều hàng mới. Trong đó, chủ yếu là bánh bánh chưng loại 1 kg/cái và 0,5 kg/cái. Hiện nay, công ty đã xuất khẩu 2 tấn bánh chưng sang châu Âu và các mặt hàng khác như bánh ít, hàng khô, chuối La Ba...

Các đơn hàng giảm


Công ty Trí Đức Food cho biết, Tết năm nay, công ty đã xuất khẩu được khoảng 20 tấn mứt các loại như: gừng, củ năng, khoai lang, hạt sen, mãng cầu, cà chua... sang Mỹ, châu Âu và một số nước ở châu Á. Bà Phạm Thu Nga, Phó giám đốc Công ty TNHH chè Hoàng Mai, doanh nghiệp có nhiều năm xuất khẩu hàng Tết ra nước ngoài, cho biết dịp Tết năm nay doanh nghiệp này đã xuất khẩu thành công 20 tấn mộc nhĩ, miến dong và bánh đa nem. Công ty Vinamit cũng cho biết đã cơ bản hoàn tất hợp đồng xuất khẩu các loại trái cây sấy khô sang thị trường Trung Quốc, Campuchia và Lào.

Tại các hệ thống siêu thị, đơn hàng đặc sản Tết xuất ngoại cũng được chuẩn bị sẵn sàng. Ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc đối ngoại hệ thống siêu thị Big C, cho biết năm nay Big C xuất khẩu 6 container hàng thực phẩm Tết gồm bánh tráng, miến khô, phở khô, mì gói, nước tương, nước mắm, trái cây sấy... sang phục vụ kiều bào và cộng đồng châu Á.


Mặc dù đã có nhiều đơn hàng được ký kết, nhưng theo một số cơ sở sản xuất, số lượng đặc sản Tết xuất ngoại năm nay không tăng mà có chiều hướng giảm hơn năm ngoái. Theo ông Trần Thanh Toàn, tuy nhu cầu xuất khẩu bánh chưng, nguyên liệu rất cao nhưng do cơ sở chưa có đủ khả năng để cung cấp nên phải từ chối các hợp đồng. Vì vậy, năm nay lượng bánh chưng xuất khẩu chỉ bằng năm ngoái. Trong khi đó, bà Hoàng Thị Tâm Ái, Giám đốc Công ty Trí Đức, cho hay các đơn hàng xuất khẩu mứt của công ty năm nay đã giảm, hiện chỉ mới xuất đi khoảng 60 tấn. Hầu hết các đầu mối nhận xuất hàng đều giải thích do kinh tế khó khăn.

Thực tế, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất hàng đặc sản Tết đều có quy mô nhỏ và phải phụ thuộc vào các công ty thương mại để xuất hàng. Do đó, ngoài nguyên nhân nhu cầu tiêu thụ của kiều bào giảm, một phần là số cơ sở sản xuất mặt hàng này đều ngại tăng thêm đơn hàng xuất khẩu vì rủi ro cao. Theo ông Trần Thanh Toàn, những năm trước dù xuất nhiều nhưng một số công ty thương mại chậm thanh toán, không giữ đúng lời hứa nên dịp Tết này cơ sở không dám ký hợp đồng mới.           


Bài và ảnh: Hải Yên

Thêm cơ hội để trái cây Việt “xuất ngoại”
Thêm cơ hội để trái cây Việt “xuất ngoại”

Chưa bao giờ người trồng trái cây lại nhận nhiều tin vui như những ngày vừa qua. Tuy nhiên, cùng với việc có thêm thị trường mới cũng là lúc Việt Nam cần phải nỗ lực để đáp ứng các tiêu chí ngặt nghèo của thị trường xuất khẩu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN