Hiện nay, do giá tiêu hạt trên thị trường Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng luôn ở mức cao từ 180.000 đến trên 190.000 đồng/kg, nên nhiều hộ nông dân bất chấp khuyến cáo của các ngành chức năng phá bỏ nhiều loại cây trồng ồ ạt chuyển sang trồng tiêu, đưa diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh tăng lên khá nhanh.
Toàn tỉnh hiện có trên 13.188 ha hồ tiêu, tăng gần 6.000 ha so với năm 2012. Toàn bộ 15 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đều có diện tích cây hồ tiêu, trong đó địa phương có diện tích thấp nhất là 21 ha (Ea Súp) và nhiều nhất là 2.422 ha (Ea H’Leo).
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, do chạy theo phong trào, phát triển cây tiêu không theo quy hoạch, không chú trọng đến việc cải tạo đất, không xử lý mầm bệnh, một số diện tích tiêu trồng trên những vùng đất không phù hợp, trồng một cách tạm bợ không được chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, giống tiêu không rõ nguồn gốc… Chính vì vậy, tình hình sâu, bệnh hại trên cây hồ tiêu ngày càng phát triển mạnh.
Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn tỉnh hiện nay đã có hàng nghìn ha tiêu bị nhiễm bệnh và chết khô, trong đó chỉ riêng bị bệnh vàng lá chết nhanh, chết chậm đã làm thiệt hại trên 1.284 ha. Tình hình sâu, bệnh hại trên cây hồ tiêu xuất hiện ở 100% huyện, thị xã, thành phố, trong đó, huyện Krông Năng, Ea Kar, Ea H’Leo, Cư Kuin là những địa phương có nhiều diện tích hồ tiêu bị các bệnh vàng lá chết nhanh, chết chậm nhiều nhất.
Tỉnh Đắk Lắk cần xây dựng các mô hình sản xuất hồ tiêu bền vững ở các vùng trọng điểm trồng tiêu để nông dân có cơ hội học tập và nhân rộng, đồng thời, hỗ trợ kinh phí tăng cường hướng dẫn bà con nông dân nâng cao kỹ năng thâm canh, chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh hại cho cây hồ tiêu…
Quang Huy