Theo đó, yêu cầu các chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện thực hiện nghiêm quy trình vận hành liên hồ trên lưu vực sông Sêrêpốk, quy trình vận hành đơn hồ. Đồng thời, thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, khí tượng, thủy văn để vận hành hồ chứa an toàn cho công trình và vùng hạ du; kịp thời cung cấp thông tin, cảnh báo đến chính quyền địa phương và nhân dân vùng hạ du trong tình huống phải xả lũ khẩn cấp; cung cấp đầy đủ, kịp thời số liệu, thông báo về hồ chứa, vận hành hồ chứa cho các cơ quan chức năng.
Sở Công Thương đề nghị: các đơn vị quản lý vận hành hệ thống điện, chủ sở hữu đập và hồ chứa thủy điện, chủ đầu tư các công trình điện mặt trời, điện gió thường xuyên kiểm tra, rà soát các điểm, khu vực xung yếu, có nguy cơ gây sạt lở của hệ thống lưới điện do mình quản lý để gia cố, sửa chữa, khắc phục kịp thời nhằm đảm bảo cung cấp điện an toàn và liên tục.
Các đơn vị lập kế hoạch vận hành, phương án dự phòng, chuẩn bị nhân lực, phương tiện, vật tư để nhanh chóng khắc phục sự cố hệ thống điện do thiên tai gây ra. Đặc biệt, có phương án duy trì cấp điện cho các công trình phòng, chống thiên tai và các phụ tải quan trọng.
Ngoài ra, các cơ quan, doanh nghiệp và người dân có công trình đường dây và trạm biến áp, lưới điện hạ áp cần phối hợp kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng các khu vực xung yếu của lưới điện do mình quản lý, đảm bảo an toàn lưới điện, đúng yêu cầu kỹ thuật hiện hành, những đường dây không đáp ứng được yêu cầu an toàn điện đề nghị tách đấu nối khỏi lưới điện để đảm bảo an toàn cho người và thiết bị. Các cá nhân, đơn vị không chấp hành phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi có sự cố xảy ra.
UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị vận hành quản lý lưới điện, tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp chấp hành nghiêm các quy định về an toàn điện trong mùa mưa bão năm 2023.
Các đơn vị quản lý vận hành hệ thống điện phối hợp với chính quyền địa phương, nhân dân kiểm tra hệ thống lưới điện do người dân tự đầu tư (các trạm bơm tưới) và các đường dây hạ áp từ sau công tơ vào nhà để yêu cầu sửa chữa, khắc phục đảm bảo an toàn cung cấp và sử dụng điện theo quy định; kiểm tra, rà soát, chặt tỉa cây và tháo dỡ các công trình xâm phạm gây mất an hành lang an toàn lưới điện cao áp; tuyên truyền, nhắc nhở người dân trong khu vực có lưới điện cao áp đi qua không xâm phạm hành lang an toàn lưới điện.
Trước đó, tình hình mưa bão khó lường gây ra nguy cơ xảy ra sạt lở trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Đắk Lắk đã giao Sở Công Thương chỉ đạo việc phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn đối với lực lượng và công trình thuộc lĩnh vực quản lý của ngành, nhất là hệ thống điện bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có 20 nhà máy thủy điện đang vận hành, có 5 nhà máy thủy điện ngoài tỉnh có đấu nối vào hệ thống điện tỉnh Đắk Lắk; trong đó có 18 nhà máy thủy điện có hồ chứa.
Tỉnh Đắk Lắk có địa bàn rộng, nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, chịu ảnh hưởng của 17/22 loại hình thiên tai như hạn hán, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy… Nguyên tắc vận hành các nhà máy thủy điện trong mùa mưa lũ là đảm bảo an toàn công trình góp phần giảm lũ cho hạ du; đảm bảo hiệu quả cấp nước, việc phát điện và duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông.