Sự kiện này thu hút đông đảo các chuyên gia kinh tế, đại diện các tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp.
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập nhận định, những năm gần đây, Chính phủ dành sự quan tâm đặc biệt tới ngành gỗ. Sau 6 tháng đàm phán, Chính phủ và Liên minh châu Âu (EU) đã ký kết Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT). Hiệp định cũng chính thức có hiệu lực vào ngày 1/6/2019.
Trọng tâm của hiệp định là cam kết loại bỏ hoàn toàn gỗ lậu ra khỏi các chuỗi cung ứng gỗ, bao gồm các chuỗi cung cấp sản phẩm xuất khẩu và sản phẩm tiêu thụ nội địa. Cam kết này nâng hình ảnh của ngành gỗ Việt Nam trên trường quốc tế; đồng thời, mở ra cơ hội thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm gỗ từ Việt Nam.
Thực hiện VPA/FLEGT cũng góp phần nâng cao hiệu quả quản trị rừng thông qua đẩy mạnh chính sách và thực thi chính sách, minh bạch thông tin ngay trong các khâu này và kể cả khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện VPA/FLEGT còn giúp nâng cao trình độ quản lý của các cơ quan Nhà nước trong lĩnh vực có liên quan; đồng thời, tạo cơ hội cho các hộ dân trồng rừng được tham gia thị trường.
Theo bà Trang, hằng năm, ngân sách chi mua sắm công chiếm khoảng 20 - 30% ngân sách nhà nước. Tuy đến nay, chưa có bất kỳ con số nào về tỷ trọng ngân sách nhà nước đầu tư cho mua sắm công đối với các sản phẩm gỗ tại Việt Nam nhưng con số ngân sách đầu tư cho mua sắm sản phẩm gỗ là rất lớn. Tại một số nước phát triển, mua sắm công gồm cả các sản phẩm gỗ chiếm từ 16 - 20% GDP.
Xét về khái niệm gỗ hợp pháp, bà Trang cho biết, đó phải là các sản phẩm gỗ được khai thác hoặc nhập khẩu và sản xuất phù hợp với quy định luật pháp của Việt Nam. Gỗ hợp pháp phải đảm bảo tuân thủ các quy định về pháp luật đất đai, pháp luật lâm nghiệp, pháp luật kinh doanh - đầu tư, pháp luật lao động, pháp luật môi trường, pháp luật thuế, pháp luật thương mại và các quy định pháp luật khác về sở hữu trí tuệ, xuất nhập khẩu.
Với vai trò quản lý, nhà nước cần bảo đảm các sản phẩm gỗ lưu thông trên thị trường nội địa và xuất khẩu là gỗ hợp pháp, kiểm soát việc của các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến và kinh doanh gỗ; đồng thời tổ chức thiết lập và vận hành Hệ thống đảm gỗ hợp pháp của Việt Nam. Ở vai trò người tiêu dùng, cầm bảo đảm gỗ mua sắm bằng vốn nhà nước là gỗ hợp pháp, kiểm soát việc tuân thủ của bên mời thầu và nhà thầu...
Trả lời câu hỏi vì sao phải lựa chọn gỗ hợp pháp trong mua sắm công, theo bà Trang, nhà nước không thể tiêu thụ sản phẩm bất hợp pháp và vốn nhà nước không thể sử dụng để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh bất hợp pháp. Cùng với đó, nhà nước là khách hàng lớn, có quyền và có cơ chế kiểm soát gỗ mua sắm công nên đây cũng là kênh quan trọng để thực hiện gỗ hợp pháp ở thị trường nội địa.
Tuy nhiên, pháp luật đấu thầu của Việt Nam hiện chưa yêu cầu hàng hóa, dịch vụ mua sắm phải hợp pháp; đồng thời, cũng đã có một số quy định rời rạc vè hàng hóa, dịch vụ mua sắm phải tuân thủ vài khía cạnh pháp luật như xuất xứ, nhãn hiệu, sở hữu trí tuệ....
Chính vì lẽ đó, bà Trang đề xuất cần bổ sung điều kiện tính hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ trong các mẫu về hồ sơ mời thầu và mẫu hợp đồng. Người lập hồ sơ mời thầu cũng cần được hướng dẫn, đào tạo, lưu ý về yêu cầu hỗ trợ hợp pháp trong các gói thầu mua sắm gỗ cho các đơn vị mời thầu và đối với các đơn vị mua sắm, thụ hưởng cũng cần có tuyên truyền để nhận thức đúng về yêu cầu gỗ nguyên liệu và yêu cầu về tính hợp pháp của gỗ.
Chia sẻ về những kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị chính sách cho Việt Nam, ông Tô Xuân Phúc, Chuyên gia phân tích chính sách thuộc Tổ chức Forest Trends cho hay, ký kết VPA/FLEGT đánh dấu vai trò kép của Chính phủ khi vừa là người ban hành các quy định để đảm bảo tính hợp pháp của sản phẩm gỗ, vừa là đối tượng thụ hưởng các sản phẩm gỗ trong khuôn khổ các hoạt động mua sắm công hay còn gọi là nhóm người tiêu dùng.
Khi VPA/FLEGT chính thức có hiệu lực và đi vào vận hành thì cũng giống như các cá nhân, hộ gia đình hay công ty tư nhân thì Chính phủ cũng cần phải đảm bảo rằng toàn bộ các sản phẩm gỗ trong các hoạt động mua sắm công là hợp pháp.
Chính phủ thực hiện mua sắm công có trách nhiệm sẽ lan tỏa thông điệp quan trọng tới các nhóm tiêu dùng khác trong xã hội về hành vi mua sắm của mình, từ đó thay đổi nhận thức và thói quen tiêu dùng; cùng với đó chuyển tải thông điệp quan trọng tới các nhà sản xuất và khuyến khích các doanh nghiệp tuân thủ yêu cầu pháp luật và áp dụng công nghệ, môi trường sản xuất an toàn và thân thiện mới môi trường, ông Phúc nhấn mạnh.