Theo đó, các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên Huế, tôm sú thả giống từ tháng 3 đến tháng 9; tôm thẻ chân trắng nuôi chính vụ sản xuất thả giống từ tháng 3 đến tháng 8; riêng tôm vụ Đông sẽ thả giống từ tháng 9 đến hết tháng 12 đối với vùng nuôi có cơ sở hạ tầng tốt, môi trường nước ổn định, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật nuôi tôm vụ Đông.
Tại các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên, tôm sú thả giống từ tháng 2 đến tháng 7; tôm thẻ chân trắng thả giống từ tháng 2 đến tháng 8. Tại các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận, tôm sú nuôi thâm canh, bán thâm canh thả giống từ tháng 3 đến tháng 8; nuôi quảng canh thả giống từ tháng 3 đến tháng 8, những vùng nuôi có điều kiện cơ sở hạ tầng, nguồn nước đảm bảo có thể thả giống đến hết tháng 9. Tôm thẻ chân trắng thả giống từ tháng 1 đến tháng 9/2022; vùng nuôi ít chịu ảnh hưởng của lũ lụt, điều kiện cơ sở hạ tầng, nguồn nước đảm bảo có thể thả giống đến tháng 12.
Đối với các tỉnh Đông Nam Bộ, tôm sú nuôi thâm canh, bán thâm canh, quảng canh thả giống từ tháng 2 đến tháng 7. Nuôi kết hợp tôm sú với cua, cá; nuôi tôm rừng thả giống từ tháng 12/2021 đến tháng 8/2022. Tôm thẻ chân trắng thả giống từ tháng 2 đến tháng 8, vùng nuôi có điều kiện hạ tầng đảm bảo có thể thả giống đến tháng 10.
Đối với các tỉnh ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tôm sú nuôi thâm canh, bán thâm canh thả giống từ tháng 2 đến tháng 10, vùng nuôi có điều kiện độ mặn phù hợp, kiểm soát được nguồn nước và thực hiện tốt việc cải tạo, diệt mầm bệnh giữa các vu nuôi có thể thả giống quanh năm.
Nuôi kết hợp tôm sú với cua, cá, nuôi tôm rừng thả giống quanh năm, tuy nhiên để đảm bảo an toàn dịch bệnh, người nuôi cần ngắt vụ để cải tao ao, diệt mầm bệnh ít nhất 1 lần/năm. Nuôi luân canh tôm – lúa thả giống từ tháng 1 đến tháng 5.
Tôm thẻ chân trắng vùng này thả giống từ tháng 2 đến tháng 10; vùng nuôi có điều kiện độ mặn phù hợp, kiểm soát được nguồn nước và thực hiện tốt việc cải tạo, diệt mầm bệnh giữa các vu nuôi có thể thả giống quanh năm.
Các địa phương có cơ sở nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao; cơ sở hạ tầng đảm bảo không chịu ảnh hưởng của thời tiết; chủ động kiểm soát hoàn toàn các yếu tố môi trường, dịch bệnh có thể thả giống quanh năm.
Với khung mùa vụ chung trên, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, từng địa phương sẽ xây dựng lịch mùa vụ thả giống nuôi tôm nước lợ cụ thể, phù hợp cho từng vùng sinh thái trên địa bàn. Các đơn vị chuyên môn sẽ phối hợp với các địa phương phổ biến lịch mùa vụ, hướng dẫn kỹ thuật, quản lý tốt việc thả giống, điều chỉnh lịch thời vụ kịp thời khi có yêu cầu để phù hợp với thực tế sản xuất.
Tổng cục Thủy sản cũng đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh/thành phố rà soát kế hoạch sản xuất và nhu cầu con giống để có giải pháp chuẩn bị đủ con giống, đảm bảo chất lượng phục vụ nhu cầu nuôi thương phẩm. Các địa phương có cơ sở sản xuất giống thủy sản ưu tiên rà soát, kiểm tra, đánh giá, cấp giấy chứng nhận và kiểm tra duy trì điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo quy định.
Các đơn vị tăng cường kiểm dịch, kiểm soát chất lượng giống trong lưu thông, không để lọt, sót giống thủy sản chưa được kiểm dịch từ cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống không đảm bảo điều kiện theo quy định; không có địa chỉ, nguồn gốc rõ ràng.
Các cơ sở, vùng nuôi liên kết với hiệp hội tôm giống/cơ sở sản xuất giống, cơ sở sản xuất, cung ứng thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường có uy tín để có con giống và vật tư chất lượng tốt phục vụ sản xuất. Người nuôi thực hiện quy trình nuôi từ 2-3 giai đoạn, thả giống cỡ lớn để nuôi thương phẩm.
Các địa phương cũng phải tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm trong sản xuất, lưu thông và xử lý nghiêm các vi phạm trong sử dụng chất cấm, hóa chất, kháng sinh không được phép dùng trong nuôi trồng thủy sản. Thực hiện cấp mã số cơ sở nuôi tôm theo quy định.
Bên cạnh việc hướng dẫn người nuôi trồng thủy sản tuân thủ yêu cầu kỹ thuật trong cải tạo ao, đầm, vệ sinh lồng bè, các địa phương tăng cường quan trắc môi trường, kịp thời thông báo cho người dân biết thời điểm thích hợp nhất để để đảm bảo hiệu quả trong sản xuất nuôi trồng thủy sản.