Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN |
Phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản khu vực châu Á-Thái Bình Dương
Đề cập về những ưu tiên được đưa ra tại cuộc họp Nhóm công tác về nghề cá và đại dương, ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, những ưu tiên được các đại biểu đến từ các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình đưa ra lần này bao gồm đảm bảo sử dụng và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương; phát triển bền vững và bảo vệ môi trường biển tăng cường khả năng thích ứng chống chọi của cộng đồng dân cư ven biển đối với các thiên tai, thời tiết, diễn biến phức tạp của tự nhiên; xác định sáng kiến triển khai an ninh lương thực của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương.
Nhấn mạnh những ưu tiên hợp tác về nghề cá có vai trò quan trọng, đại diện Tổng cục Thủy sản cho rằng, phát triển bền vững đảm bảo sinh kế cho cộng đồng ngư dân ven biển và những yếu tố đảm bảo công bằng cho ngư dân đang khai thác trên biển, là một trong những ưu tiên quan trọng.
Bởi đối với đặc điểm của nghề cá Việt Nam, đó chính là nghề cá quy mô nhỏ. Việc so sánh với thế giới, nghề cá quy mô nhỏ của Việt Nam không hiện đại như nghề cá quy mô nhỏ của thế giới. Do vậy đối với Việt Nam, các chính sách mà Việt Nam triển khai theo hướng bền vững đảm bảo được sinh kế góp phần phát triển kinh tế địa phương cũng như nền kinh tế quốc gia.
Khuyến khích các nền kinh tế thành viên APEC xây dựng chính sách về nghề cá Ông Toshihiko Horiuchi, đại biểu đến từ nền kinh tế Nhật Bản chia sẻ, cần thiết phải nâng cao năng lực hỗ trợ ngư dân và phụ nữ vùng biển, cộng đồng ngư nghiệp của các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương phát triển trong lĩnh vực nghề cá.
Bởi vì đánh bắt cá và nuôi trồng thủy sản là chưa đủ mà điều quan trọng là phải tạo ra được thu nhập từ nguồn đó, mang lại lợi ích cho ngư dân, phụ nữ vùng biển, cộng đồng ngư nghiệp. Cụ thể như giúp ngư dân tiếp cận thị trường, cải thiện chất lượng sản phẩm và việc sử dụng bền vững tài nguyên biển...
Để phát triển hiệu quả và bền vững nghề cá, ông Toshihiko Horiuchi cho rằng các nền kinh tế thành viên cần nâng cao vai trò của chính quyền và người dân địa phương trong quản lý vùng biển, để đảm bảo sử dụng biển bền vững. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tăng trưởng cao hơn, sử dụng bền vững hơn, khai thác được nhiều hơn tài nguyên đại dương.
Nghề cá của các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương đang phải đối mặt với các thách thức như an toàn thực phẩm, nghề cá đối với phụ nữ, khả năng phụ hồi sau thiên tai, ông cho biết: "Nhật Bản giúp đỡ nhiều nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác châu Á-Thái Bình Dương đang phát triển trong nghề cá. Hay hỗ trợ ngư dân Tây Phi thông qua ODA, không chỉ là thiết bị, động cơ, mà còn hướng dẫn cho họ cách đánh cá, bảo dưỡng máy móc".
Để ngoài trời cá sẽ dễ bị hỏng, không sử dụng được. Nhưng nếu hun khói hoặc được chế biến có thể bán sản phẩm để có thu nhập, tăng giá trị sản phẩm. Mặt khác, nâng cao năng lực cho ngư dân bằng cách mời sang Nhật Bản truyền kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Đánh giá việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào nghề cá, ông Toshihiko Horiuchi cho rằng, đây là vấn đề rất quan trọng, nhờ có khoa học công nghệ thông tin mà có thể dự đoán được cá ở đâu, môi trường như thế nào, hỗ trợ ngư dân đánh cá dễ dàng hơn.
Ngay cả trong thủy sản, nhờ có áp dụng khoa học công nghệ mà có nhiều sản phẩm thủy sản hơn. Tại hội nghị lần này, nền kinh tế thành viên Nhật Bản khuyến nghị phát triển nghề cá, khuyến khích các nền kinh tế Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương xây dựng chính sách về nghề cá.