Ông Nguyễn Đức Trung, Phó trưởng Trạm trồng trọt, bảo vệ thực vật huyện Vị Thủy cho biết, mô hình giúp người dân tiếp cận với các quy trình sản xuất mới mang tính bền vững; nâng cao năng lực áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào thực tế góp phần xây dựng nông thôn mới.
Đây cũng là những bước ban đầu hướng tới những công nghệ hay kỹ thuật hiện đại, áp dụng vào quy trình sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, giá thành thấp; thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, là sản xuất cung ứng giống, sản xuất lúa chất lượng cao theo chuỗi giá trị.
Đánh giá thực tế mô hình cho thấy, cây lúa phát triển rất đồng đều, khả năng đẻ nhánh mạnh, bông lúa dài hạt lúa to và đều. Lúa không bị đổ ngã, đảm bảo năng suất và chất lượng; so với ruộng đối chứng bị đổ ngã ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và khó khăn khi thu hoạch. Cùng với đó, mô hình canh tác lúa thông minh ít sâu bệnh so với ruộng đối chứng do cây lúa thông thoáng. Hơn nữa, mô hình canh tác chỉ vùi phân một lần cho cả vụ nên không tốn công bón phân.
Lợi nhuận thu được từ canh tác lúa thông minh cao hơn canh tác bình thường từ 2 triệu đồng đến 7 triệu đồng, tùy hình thức sạ lúa.
Ông Trần Văn Nhỏ có 2,1 ha thực hiện theo mô hình canh tác lúa thông minh. Ông Nhỏ cho biết, lần đầu tiên thực hiện nên còn bỡ ngỡ, lúng túng trong thực hiện. Tuy nhiên nhờ hướng dẫn chu đáo của cán bộ ngành nông nghiệp nên từng bước làm hiệu quả. Làm lúa theo mô hình canh tác lúa thông minh đỡ tốn công chăm sóc so canh tác bình thường. Mặc dù chi phí đầu tư có cao hơn nhưng lợi nhuận thu được cũng cao hơn.
Theo ông Trần Văn Thêm, người có 1 ha thực hiện mô hình canh tác lúa thông minh, mô hình cho lúa đạt hiệu quả hơn so canh tác thông thường. Công lao động bớt được rất nhiều và khỏe hơn canh tác thông thường, nông dân bớt được thời gian chăm sóc lúa rất nhiều. Dự kiến gia đình sẽ nhân rộng canh tác lúa theo mô hình thông minh.
Ông Ngô Minh Long, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho hay, mô hình cho thấy khả năng ứng dụng tiến bộ khoa học rất khả quan, trong việc cơ giới hóa từ gieo cấy, bón phân, thu hoạch tại khu vực được chọn thực hiện. Hậu Giang đang hướng đến sản xuất theo chuỗi giá trị từ đầu vào cho đến đầu ra sản phẩm và canh tác lúa áp dụng công nghệ ngày nhiều hơn. Hậu Giang sẽ tổ chức đánh giá kỹ càng hơn tính hiệu quả của mô hình để có thể nhân rộng cho nông dân trong toàn tỉnh.