Theo đó, trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam, thuốc sử dụng trong nông nghiệp gồm thuốc trừ sâu có 9 hoạt chất với 1.670 tên thương phẩm; thuốc trừ bệnh 651 hoạt chất với 1.492 tên thương phẩm; thuốc trừ cỏ 256 hoạt chất với 765 tên thương phẩm; thuốc trừ chuột 8 hoạt chất với 37 tên thương phẩm; thuốc điều hoà sinh trưởng 58 hoạt chất với 172 tên thương phẩm; chất dẫn dụ côn trùng có 8 hoạt chất với 8 tên thương phẩm; thuốc trừ ốc 31 hoạt chất với 152 tên thương phẩm; chất hỗ trợ (chất trải) 5 hoạt chất với 6 tên thương phẩm.
Thuốc trừ mối 14 hoạt chất với 21 tên thương phẩm. Thuốc bảo quản lâm sản 7 hoạt chất với 8 tên thương phẩm. Thuốc khử trùng kho 3 hoạt chất với 9 tên thương phẩm.
Thuốc sử dụng cho sân golf gồm: thuốc trừ bệnh có 2 hoạt chất với 2 tên thương phẩm; thuốc trừ cỏ 1 hoạt chất với 1 tên thương phẩm; thuốc điều hoà sinh trưởng 1 hoạt chất với 1 tên thương phẩm.
Thuốc xử lý hạt giống gồm: thuốc trừ sâu 10 hoạt chất với 16 tên thương phẩm; thuốc trừ bệnh 13 hoạt chất với 13 tên thương phẩm.
Đặc biệt, thuốc bảo quản nông sản sau thu hoạch chỉ mới có 1 hoạt chất với 1 tên thương phẩm được phép sử dụng tại Việt Nam sử dụng để bảo quản khoai tây.
Về Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam, Thông tư 19/2022/TT-BNNPTNT quy định rõ thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản lâm sản có 23 hoạt chất; thuốc trừ bệnh 6 hoạt chất; thuốc trừ chuột 1 hoạt chất là Talium compond; thuốc trừ cỏ có 1 hoạt chất là 2.4.5 T.
Thông tư 19/2022/TT-BNNPT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/01/ 2023. Khi đó, Thông tư số 19/2021/TT-BNNPTNT ngày 28/12/2021 về việc ban hành Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam, Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam sẽ hết hiệu lực.