Từ khi Nhà máy thuỷ điện Sơn La đóng đập tích nước lên mức cos 213m, cả khu vực thung lũng thuộc thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên) giờ đã mênh mang nước. Tận dụng diện tích mặt nước lòng hồ, người dân sống ở đôi bờ thị xã “trên bến dưới thuyền” này đã phát triển thêm một nghề mới là nghề đánh bắt thuỷ sản...
Lên thuyền của ông chủ vó bè tên Toàn (53 tuổi), sống ở khu Chi Luông (1 trong 5 khu tái định cư thuỷ điện Sơn La tại thị xã Mường Lay) và được ông đưa ra chỗ vó bè của gia đình. Sau ít phút ngồi trên vó bè nghỉ ngơi, nhìn về phía “phố nhà sàn bậc thang” nằm san sát, soi bóng ven theo hai bên bờ lòng hồ... Tôi miên man nghĩ về những ngày tháng chưa xa của thị xã Mường Lay khi chưa ngập nước, còn phố bây giờ khác xưa như một giấc mơ. Bác Toàn đã cất lên mẻ vó đầu tiên có nhiều loại cá kích thước lớn bé khác nhau. Bác Toàn cho biết: Kinh phí của bè mảng, bác đầu tư trên 10 triệu đồng. Mảng bè của bác có diện tích rộng gần 500m2, riêng phần vó để nhử cá, tôm vào ăn mồi đã chiếm diện tích gần 400m2. Trung bình cứ 20 phút cất vó cũng thu được trên 2 đến 3 cân cá, bình quân gia đình bác thu nhập vài trăm ngàn mỗi đêm nhờ những vó cá, tôm cất lên từ mảng bè của gia đình mình.
Trước đây, vào thời điểm lòng hồ vừa tích nước, cá xuôi về nhiều, có đêm bác thu về gần 3 tạ cá các loại. Để có thể cất lên nổi tấm lưới chìm dưới nước ở độ sâu gần 20m, bác Toàn phải dùng hệ thống dây cáp và ròng rọc để thay cho phương pháp nâng vó thủ công. Kinh nghiệm của một người dân miền sông nước có thâm niên “ngư phủ”, bác cho biết: "Hôm nào mặt nước ít gió, lặng sóng thì ngày đó cất vó mới được nhiều, chứ gió lớn, mặt hồ có sóng là mất công thu vó, lại vừa tốn cám gạo để nhử cá. Điều tối kỵ trong nghề cất vó lớn là không được thả vó chìm xuống đấy hồ, vì gặp nước đục chảy về, nguy cơ bùn đất vùi lấp lưới vó là rất lớn. Lúc ấy chỉ còn biết chặt đứt dây cáp để vó mất thôi".
Xuôi theo lòng hồ bằng thuyền gỗ từ khu vực Lay Nưa đến chân cầu bản Xá - cây cầu có quy mô lớn nhất khu vực Tây Bắc đến thời điểm này, dễ dàng bắt gặp những chiếc vó bè của người dân nổi trên mặt hồ, cảnh ngư dân vận hành những chiếc thuyền nhỏ, lắp động cơ ngược xuôi thả lưới, cất vó, buông câu. Sóng nước gây nên từ những con thuyền máy chạy trên lòng hồ nổi lên, đập vào hai bên bờ chân kè lòng hồ nghe dào dạt. Một không khí bươn chải, mưu sinh của người dân ở vùng lòng hồ này khá vất vả.
Rời chân cầu bản Xá, thuyền xuôi đến ngã ba sông (nơi hợp lưu của sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay). Sau một vài phút tròng trành giữa hồ do thuyền “va” phải sự đổi chiều của những dòng chảy, chúng tôi ngược lên phía cầu Hang Tôm- cây cầu nối hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên. Tại đây chúng tôi đã gặp nhiều thuyền bè của người dân đang thả vó, lưới, buông câu đánh bắt cá. Ghé sát vào thuyền của anh Lù Văn Lớ (28 tuổi, bản Hốc, Na Lay) khi anh và vợ đang chuẩn bị thả lưới, trong tâm trạng hồ hởi anh Lớ cho biết: Gia đình anh làm nghề đánh bắt thuỷ sản đã 7 năm nay. Từ khi nước lòng hồ dâng cao, tôm cá theo dòng xuôi về nhiều, gia đình anh làm nghề cũng đỡ vất vả hơn, có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống hằng ngày và nuôi con ăn học.
Từ khi nước lòng hồ dâng cao, tôm cá theo dòng xuôi về nhiều. |
Suốt hơn 3 tiếng đồ hồ trên sông, hành trình “du ngoạn” cảnh sông nước, mây trời của thị xã bằng thuyền đã cho chúng tôi tận mắt chứng kiến sự đổi thay thần kỳ của một thị xã vừa tròn 40 tuổi. Dọc suốt chiều dài trục lòng hồ, cảnh vật của bản xưa... nay đã thành phố xá. Thị xã bé nhỏ nay đã mang dáng dấp của một đô thị ven hồ thuỷ điện như niềm mong mỏi bao ngày của người dân nơi đây. Dọc hai bên bờ hồ, những nếp nhà sàn truyền thống lợp ngói đá đen, đá đa sắc nằm san sát nhau, điểm thêm vào đó là những toà nhà, khách sạn, công sở hiện đại cất dựng tựa lưng vào thế núi rất vững chãi mà nên thơ, hữu tình. Cuối cùng, thuyền chúng tôi cập bờ khu Chi Luông, khép lại hành trình ngao du thuỷ ngoạn lòng hồ ở thị xã trong cái nắng yếu ớt chưa kịp tắt của buổi chiều vùng Tây Bắc.
Chiều về, quang cảnh thị xã Mường Lay trở nên nhộn nhịp, đông vui khi suốt chiều dài ven bờ lòng hồ diễn ra cảnh thuyền bè cập bến, người người vận chuyển cá, tôm lên bờ, khách nườm nượp hỏi giá buôn, bán. Mặt lấm tấm mồ hôi, tay vẫn không ngừng phân loại cá, chị Lò Thị Ban (30 tuổi, bản Xá Đán, phường Na Lay) cho biết: "Cá, tôm đánh bắt được thì chẳng ai lo ế đâu mà, đã có người đặt mua rồi, giá bán theo thoả thuận thôi. Đặt mua hàng có nhiều người ở thành phố Điện Biên Phủ, nhưng cũng có người ở tận mãi bên Hoà Bình, Lai Châu sang mua đó".
Cũng theo nhiều người dân sống lâu năm ở thị xã Mường Lay cho biết, thì lòng hồ Mường Lay có tiềm năng lớn về thuỷ sản, có những loại thuỷ sản quý, hiếm, rất có giá trị và nổi tiếng trên thị trường như các loại cá Vực, Lăng, Chiên, tôm Sông Đà, cua đá Hang Tôm...
Anh Phan Thế Hiểu, cán bộ Phòng kinh tế thị xã Mường Lay, người đồng hành cùng chúng tôi cho biết: Trong chiến lược phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho người dân tái định cư vùng lòng hồ, thị xã Mường Lay đã có kế hoạch xây dựng dự án thí điểm mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ cho người dân tham gia để đánh thức tiềm năng, lợi thế thuỷ sản vùng lòng hồ. Với dự án này, dự tính bước đầu sẽ có khoảng 50 lồng được dựng nên, nằm trải dài suốt từ cầu Hang Tôm đến bản Nay Lưa. Để thực hiện dự án có tính chiến lược này, thị xã đang phối hợp với Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát, quy hoạch, khoanh vùng thí điểm để người dân tham gia nuôi những loại cá thương phẩm có giá trị. Người dân tham gia vào việc chăn nuôi theo mô hình này sẽ được tập huấn các kỹ thuật cơ bản về nuôi, chăm sóc thuỷ sản và khi thành công, sẽ nhân rộng mô hình để tận dụng diện tích gần 100ha của vùng lòng hồ này.
Quả vậy, để ngư dân tái định cư vùng lòng hồ sống ổn định, bền vững với nghề khai thác, đánh bắt thuỷ sản thì dự án mô hình thí điểm nuôi cá lồng được xem là giải pháp thiết thực, đa lợi. Dự án triển khai sẽ tạo điều kiện cho người dân mạnh dạn đầu tư theo hướng quy mô hơn, có tính chiều sâu, chứ không manh mún, nhỏ lẻ. Đặc biệt, dự án này sẽ góp phần nâng cao ý thức cho người dân trong việc chấm dứt tình trạng khai thác thuỷ sản theo lối thủ công, có tính huỷ diệt môi sinh, môi trường như dùng xung điện, chất nổ...vẫn thường xảy ra trước đây. Khi tiềm năng thuỷ sản vùng lòng hồ được đánh thức, thị xã Mường Lay sẽ tồn tại thật sự đúng nghĩa là “thị xã trên bến dưới thuyền” đối với người dân vùng tái định cư./.
Xuân Tiến