Một giàn khoan dầu của công ty Petrobras ở Espirito Santo, Brazil. Ảnh: AFP/TTXVN |
Giá dầu thô thế giới lần đầu tiên trong 12 năm trượt xuống dưới mốc 32 USD/thùng trong trong phiên giao dịch ngày 11/1, trước những dấu hiệu cho thấy Iran sắp được phép tăng xuất khẩu dầu ra thị trường.
Cụ thể, khép lại phiên này, tại New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 2/2016 giảm 1,75 USD xuống 31,41 USD/thùng, mức thấp nhất ghi nhận kể từ phiên 23/12/2003. Trong khi đó, tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn hạ 1,61 USD xuống 31,55 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2004.
Tuần trước, giá dầu thô đã mất khoảng 10% trước những quan ngại về tình hình kinh tế Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới. Thị trường đã không "đoái hoài" đến số liệu tích cực của thị trường việc làm Mỹ.
Các chuyên gia phân tích vẫn đang cân nhắc những ảnh hưởng của rủi ro địa chính trị có thể tác động tới thị trường, trong đó có căng thẳng giữa Saudi Arabia và Iran. Ước tính, nếu các biện pháp cấm vận đối với Tehran được dỡ bỏ, nguồn cung dầu trên thị trường sẽ tăng thêm khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày chỉ trong vòng vài tháng.
Đồng USD mạnh hơn cũng tạo áp lực lên giá các mặt hàng được giao dịch bằng đồng tiền này. Morgan Stanley nhận định nếu giá trị đồng USD tăng hơn 5%, giá dầu có thể giảm từ 10-15%. Nếu đồng USD tiếp tục mạnh lên, giá dầu có thể bị đẩy xuống mức 20-25 USD/thùng.
* Trong khi đó, tại phiên giao dịch ngày 11/1, giá vàng thế giới đi xuống, trong bối cảnh đồng USD lên giá so với đồng USD. Tuy nhiên, giá kim loại quý này vẫn được giao dịch gần mức cao nhất trong 9 tuần, khi sự sụt giảm trên các sàn chứng khoán thúc đẩy nhiều người mua vàng như một kênh đầu tư an toàn. Chốt phiên này, giá vàng giao tháng 2/2016 tại Sàn giao dịch kim loại New York (COMEX) giảm 0,2% xuống 1.096,20 USD/ounce.
* Thị trường chứng khoán châu Á đã rơi xuống mức thấp nhất trong hơn bốn năm, sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) điều chỉnh nâng tỷ giá đồng nhân dân tệ (NDT). Các chuyên gia nhận định các quyết định liên tiếp điều chỉnh lên xuống tỷ giá đồng nội tệ của Trung Quốc đã gây tâm lý hoang mang cho nhà đầu tư.
Tại Mỹ, hai chỉ số chủ chốt của chứng khoán Phố Wall đều tăng nhẹ, song sự đi xuống của các mã cổ phiếu trong lĩnh vực công nghệ sinh học và năng lượng đã kiềm chế đà tăng của thị trường. Cuối phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 52,12 điểm (0,32%) lên 16.398,57 điểm; chỉ số S&P 500 tăng 1,64 điểm (0,09%) lên 1.923,67 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 5,64 điểm (0,12%) xuống 4.637,99 điểm.
Theo các nhà phân tích, mùa báo cáo lợi nhuận bắt đầu cũng gây tâm lý lo lắng cho các nhà đầu tư. Phiên này, giá cổ phiếu của công ty công nghệ sinh học Celgene giảm 5,5%, sau khi công ty này công bố dự báo lợi nhuận đáng thất vọng. Hiện nay, các nhà đầu tư đang quan ngại về các báo cáo kinh doanh không mấy khả quan của khối doanh nghiệp Mỹ. Thomson Reuters dự kiến lợi nhuận quý IV/2015 của các doanh nghiệp xây dựng nên chỉ số S&P 500 sẽ giảm quý thứ hai liên tiếp.