Theo Quy hoạch chi tiết xây dựng hệ thống giao cắt giữa đường sắt với đường bộ trên cả nước được Bộ Giao thông vận tải phê duyêt, dự kiến tổng nguồn vốn để đầu tư xây dựng là hơn 46.700 tỷ đồng, bao gồm cả chi phí xây dựng, giải phóng mặt bằng, chi phí khác và dự phòng.
Có 9 tuyến trong quy hoạch đầu tư xây dựng các điểm giao cắt gồm: Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh; Yên Viên – Lào Cai; Hà Nội – Đồng Đăng; Đông Anh – Quán Triều; Gia Lâm – Hải Phòng; Kép – Hạ Long; Kép – Lưu Xá; Bắc Hồng – Văn Điển; Yên Viên – Cái Lân.
Công nhân thực hiện duy tu, bảo dưỡng đường tàu tại phường Bến Gót, thành phố Việt Trì (Phú Thọ). Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN |
Quy hoạch hệ thống giao cắt đường sắt với đường bộ đến năm 2020, định hướng phát triển đến năm 2030 gồm toàn bộ các điểm giao cắt giữa đường sắt thuộc hệ thống đường sắt quốc gia Việt Nam với đường bộ được xếp vào cấp; các điểm giao cắt đã cấp phép (giao bằng) theo Luật Đường sắt được nghiên cứu nâng cấp, cải tạo hoặc xây dựng nút giao khác mức đảm bảo an toàn theo đúng Điều lệ đường ngang. Đối với các điểm giao cắt không được cấp phép được nghiên cứu gom gộp vào các điểm giao cắt khác với khoảng cách phù hợp thông qua hệ thống đường gom.
Theo Quy hoạch, giai đoạn từ năm 2012 - 2015 xây dựng hàng rào ngăn cách đường sắt với đường bộ và đường sắt với khu dân cư, các đường gom dân sinh; xây dựng các đường ngang làm mới và nâng cấp một số đường ngang thường xảy ra mất an toàn giao thông. Với các điểm giao cắt khác mức sẽ xây dựng các hầm chui dân sinh. Với các nút giao khác mức thì ưu tiên các điểm giao cắt thường xẩy ra ùn tắc giao thông trên đường bộ, vùng gần khu đô thị, thành phố. Giai đoạn từ năm 2015 - 2020 xây dựng các điểm giao cắt còn lại, bao gồm: Các đường ngang nâng cấp; các điểm giao cắt khác mức còn lại.
Bộ Giao thông vận tải giao Vụ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì, phối hợp với các chủ dự án được giao xây dựng các nút giao cắt nghiên cứu cơ chế, chính sách và các hình thức huy động các nguồn vốn để khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia xây dựng các nút giao cắt theo quy hoạch được duyệt bằng các hình thức nhà nước đầu tư, BOT, BT, liên doanh... theo quy định của pháp luật.
Cục Đường sắt Việt Nam chủ trì phối hợp với Tổng Cục Đường bộ Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông và các địa phương có các nút giao cắt: Tổ chức công bố công khai quy hoạch đã được phê duyệt; nghiên cứu cụ thể hóa các mục tiêu và triển khai thực hiện bằng các chương trình, các dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch.
Bộ cũng yêu cầu Tổng Công ty Đường sắt tăng cường vai trò quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt, trong đó có hệ thống nút giao cắt giữa đường sắt và đường bộ; đề xuất các chương trình, các dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp các nút giao cắt theo quy hoạch được duyệt nhằm từng bước xóa bỏ các điểm đen về an toàn và tại nạn giao thông tại các nút giao cắt.
Hoàng Tùng