Nguyên nhân chủ yếu được đưa ra là do tỉnh chậm giải phóng mặt bằng và không thu được tiền sử dụng đất.
Điển hình như tại dự án đường hành lang kinh tế phía Đông của tỉnh Gia Lai. Dự án này có chiều dài 16 km với tổng dự toán 1.200 tỷ đồng, theo kế hoạch sẽ được khởi công trong năm 2022 và hoàn thành vào năm 2025. Với kỳ vọng tạo động lực phát triển hành lang kinh tế phía Đông của thành phố Pleiku và các huyện Đăk Đoa, Chư Păh nhưng đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai Đinh Hữu Hòa cho biết, các dự án thuộc nhóm A theo quy định đầu tư công sẽ được giải phóng mặt bằng riêng. Nhưng hiện nay, việc giải phóng mặt bằng còn gặp rất nhiều khó khăn do việc phối hợp giữa các sở, ban ngành còn chưa có sự thống nhất cao.
Ngoài ra, việc giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Gia Lai chậm còn do nhiều vướng mắc khác như: không thu được tiền sử dụng đất dẫn đến khó bố trí vốn cho các dự án trọng điểm; quy trình thủ tục phức tạp, chồng chéo giữa các luật liên quan; giá đền bù chênh lệch so với giá thị trường gây phản ứng cho người dân; giá vật liệu tăng cao ảnh hưởng đến tiến độ, chi phí của các dự án; thiếu linh hoạt trong việc điều chỉnh kế hoạch phân bổ vốn theo tình hình thực tế và thiếu hợp tác của các bên liên quan.
Ông Đinh Màu, Giám đốc Công ty TNHH Trung Kiên, tỉnh Gia Lai chia sẻ, tất cả các gói thầu của đơn vị phụ trách đều bị thiệt hại. Tỉnh Gia Lai chủ yếu áp dụng theo khung giá cố định nên nhà thầu bị thua lỗ. Về phần doanh nghiệp đã cố gắng hết sức, thực hiện nhiều giải pháp nhưng vẫn bị thua lỗ.
Còn theo ông Nguyễn Văn Minh Tuệ, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đức Cơ cho rằng, hiện nay, huyện Đức Cơ có 7 dự án đang sử dụng nguồn kinh phí từ thu tiền sử dụng đất của tỉnh và của huyện, nhưng đến thời điểm này nguồn thu tiền sử dụng đất không đảm bảo dẫn đến không có kinh phí cấp cho các dự án. Do đó, hầu hết các đơn vị thi công đều gặp khó khăn và thi công cầm chừng.
Trao đổi về những khó khăn, vướng mắc của các đơn vị và địa phương gặp phải, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai Đinh Hữu Hòa cho biết, để khắc phục những khó khăn trên, sở sẽ tập trung rà soát năng lực của các chủ đầu tư, đặc biệt là các chủ dự án. Các chủ đầu tư phải lựa chọn các nhà thầu tư vấn đủ năng lực, tránh việc điều chỉnh dự án. Cùng với đó, phải lựa chọn các nhà thầu thi công có năng lực.
Mặt khác, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan làm tốt giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh. Cá thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu, gắn kết quả giải ngân vào đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chậm trễ trong giải ngân vốn; điều chuyển, cắt giảm các dự án không thực hiện hoặc chậm giải ngân để chuyển sang các dự án có tính chất về vốn tương tự…
Ông Hòa cũng cho biết thêm, vừa qua, UBND tỉnh Gia Lai vừa thành lập 3 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công và thu ngân sách nhà nước năm 2023. Đây sẽ là tín hiệu lạc quan giúp các địa phương, đơn vị tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư công, nhất là dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài.
Đầu tư công là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tuy nhiên, việc giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Gia Lai đang gặp rất nhiều bất cập và chậm trễ. Để hoàn thành mục tiêu đầu tư công năm 2023, các cấp chính quyền và các chủ đầu tư của tỉnh Gia Lai cần phải quyết liệt và kiên trì hơn nữa trong việc triển khai các dự án. Qua đó, tránh vấp phải câu chuyện đầu năm chậm tiến độ kéo theo cuối năm phải cấp tập triển khai bằng mọi giá, dẫn đến không phát huy được hiệu quả của nguồn vốn ngân sách đầu tư công.