Đến thời điểm này, đây là dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo chủ đầu tư, dự án được tích hợp tổng thể gồm: Nhà máy điện có tổng công suất thiết kế 3.200 MW trên diện tích 40 ha tại xã Vĩnh Hậu A (huyện Hòa Bình); trạm tiếp nhận và lưu trữ nhiên liệu có diện tích nổi khoảng 100 ha mặt biển (lưu trữ từ 150.000 đến 174.000 m3 khí tự nhiên hóa lỏng); trạm tái hóa khí và 35 km đường ống dẫn khí áp suất cao.
Đến cuối tháng 12/2020, nhà đầu tư sẽ hoàn thành khâu chuẩn bị đầu tư dự án và trong 3 năm tiếp theo triển khai việc xây lắp khu tiếp nhận, lưu trữ LNG và trạm tái hóa khí, đường đưa khí vào bờ và vận hành tổ máy tuabin khí giai đoạn 1 (750MW) vào cuối năm 2023.
Sau đó, nhà đầu tư tiếp tục xây lắp và đưa vào vận hành các tổ máy còn lại của dự án để đạt đủ công suất 3.200 MW trước tháng 12/2027.
Theo khái toán, giá bán điện của dự án sẽ được xác định thông qua thương thảo hợp đồng mua bán điện giữa nhà đầu tư với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Phát biểu tại lễ trao quyết định, ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UNND tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh, dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu là dự án trọng điểm, có vai trò tạo động lực chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh. Dự án sẽ tạo thêm hàng nghìn việc làm, hàng chục tỷ đồng tiền thuế nhà thầu trong thời gian xây dựng, đặc biệt khi dự án đi vào hoạt động có thể đóng góp cho ngân sách Nhà nước hơn 3.000 tỷ đồng/năm, từng bước góp phần giúp tỉnh tự cân đối được ngân sách.
Để dự án triển khai theo kế hoạch, UBND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu nhà đầu tư cùng các đối tác nỗ lực thực hiện đúng tiến độ như cam kết và mong muốn các bộ, ngành Trung ương tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng tỉnh, nhà đầu tư nhằm sớm phát huy hiệu quả dự án. Bên cạnh đó, tỉnh Bạc Liêu sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.