Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đặng Huy Đông, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quy hoạch và Phát triển (nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, trong lịch sử phát triển ngành hàng không quốc tế, hầu hết nước nào cũng có sân bay cửa ngõ quốc gia.
Một đất nước gia có sân bay cửa ngõ phát triển vươn lên tầm sân bay trung chuyển quốc tế thì sẽ đem lại tác động lan tỏa, cơ hội phát triển kinh tế-xã hội to lớn cho quốc gia. Khi đó, các khoản đầu tư ban đầu của Nhà nước vào sân bay không những được thu hồi, mà còn mang lại lợi nhuận “một vốn bốn lời” cho đất nước.
“Ngược lại, việc đầu tư manh mún, chắp vá, thiếu tầm nhìn sẽ không thể cạnh tranh và có thể dẫn đến gánh nặng tài chính quốc gia, từ đó khó thu hút được vốn đầu tư, lãi suất thấp từ thị trường vốn quốc tế. Có những bài học thất bại như tại Đức, trong khi sân bay Frankfurt là một sân bay trung chuyển lớn nhất châu Âu, rất thành công nhưng sân bay Berlin mặc dù đã xây dựng từ hơn chục năm trước, đến nay vẫn chưa được đưa vào vận hành”, ông Đặng Huy Đông phân tích.
Tại hội thảo, các diễn giả thuộc các tổ chức tư vấn trong lĩnh vực sân bay, kinh tế hàng không đến từ 3 châu lục Á, Âu, Mỹ đã có những tham luận quan trọng về “công thức” cho thành công của một sân bay cửa ngõ quốc gia là gì, cần những điều kiện gì để thành công? Điều gì có thể dẫn đến thất bại của một dự án đầu tư cảng hàng không quốc gia?
Làm thế nào để huy động vốn đầu tư dự án sân bay cửa ngõ quốc gia mà không dẫn đến nợ quốc gia… Các ý kiến tham luận khẳng định, một sân bay cửa ngõ được quy hoạch, đầu tư, thiết kế, tính toán bài bản, định hướng phát triển và có sự liên kết với các loại hình vận tải trong khu vực sẽ mang lại những tác động lan tỏa to lớn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội cho đất nước.
TS. John D. Kasarda (Nhà nghiên cứu hàng đầu về khái niện đô thị sân bay) khẳng định, vai trò của hàng không và sân bay trong việc định hình ngành logistics, kinh doanh và phát triển trong thế kỷ 21.
Theo đó, TS. John D. Kasarda cho rằng, cơ sở hạ tầng logistics và quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu cho các sân bay, chính phủ và công ty đa quốc gia.
“Cần phải xác định vai trò của ngành hàng không và sân bay trong việc định hình ngành logistics, để kinh doanh và phát triển trong thế kỹ 21”, ông John D. Kasarda nói.
Việt Nam hiện đang triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ là cảng hàng không lớn nhất cả nước, định hướng trở thành sân bay trung chuyển quốc tế. Theo ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), sân bay cửa ngõ quốc gia phải là sân bay quốc tế, trung tâm trung chuyển chính để các hãng hàng không mở đường bay đến cảng hàng không đó.
“Trong số 22 cảng hàng không của Việt Nam, nếu đáp ứng những yếu tố cần với sân bay cửa ngõ quốc gia thì có sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng. Nếu đáp ứng yếu tố đủ để trở thành sân bay cửa ngõ thì cần mở rộng phát triển và trong thời gian tới đây, tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam cụm cảng Long Thành-Tân Sơn Nhất sẽ là sân bay cửa ngõ quốc gia,” ông Lại Xuân Thanh đánh giá.
Chủ tịch Hội đồng quản trị ACV Lại Xuân Thanh cũng cho rằng, tất cả các cảng hàng không, sân bay lớn trên thế giới đều thuộc kiểm soát của Nhà nước, do các tập đoàn lớn mà Nhà nước chi phối vì không chỉ kinh doanh đơn thuần về hàng không mà còn đi liền với sự phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng của quốc gia.
Mô hình quản lý sân bay Long Thành sắp tới đòi hỏi phải hiện đại số hóa sân bay về mặt kỹ thuật, mô hình quản trị, phương thức quản lý, điều hành khai thác sân bay và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ.