Theo một báo cáo vừa được Allied Market Research công bố, thị trường dịch vụ chuyển phát nhanh Việt Nam đạt giá trị 0,71 tỷ USD vào năm 2021, ước tính sẽ tăng lên mức 4,88 tỷ USD vào năm 2030, đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 24,1% trong giai đoạn 2022 - 2030.
Theo báo cáo của Allied Market Research, phân khúc B2C (doanh nghiệp và khách hàng) đóng góp vào thị phần lớn nhất trong năm 2021, chiếm hơn 3/5 tổng thị phần trên thị trường dịch vụ chuyển phát nhanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, phân khúc B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) được dự báo sẽ đạt cao nhất, khoảng gần 25,4% trong giai đoạn 2022 - 2030.
Nguyên nhân, người tiêu dùng Việt Nam có mức độ mua sắm trực tuyến thường xuyên nhất ở khu vực Đông Nam Á, với số lượng người mua sắm trực tuyến dự kiến sẽ đạt khoảng 55% dân số, mức chi tiêu trung bình 600 USD mỗi năm vào năm 2025.
Bên cạnh đó, tăng trưởng doanh số TMĐT xuyên biên giới cũng đã làm tăng lượng nhập khẩu bưu kiện quốc tế, từ đó thúc đẩy nhu cầu về dịch vụ chuyển phát nhanh trong nước cũng như nước ngoài, một yếu tố quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành dịch vụ chuyển phát nhanh Việt Nam.
Ông Trần Ngọc Thái Sơn, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tiki cho biết, nền tảng TMĐT đóng góp rất lớn cho dịch vụ chuyển phát nhanh hiện nay, khi nhu cầu mua sắm trực tuyến đang trở thành xu hướng tất yếu và không thể thiếu trong đời sống hàng ngày từ sự phát triển mạnh mẽ nền kinh tế số. Bên cạnh đó, sự bùng nổ của TMĐT đã mở ra những cơ hội mới cho các công ty chuyển phát nhanh tại Việt Nam, giúp họ mở rộng thị trường và cải thiện dịch vụ của mình. Vì thế, để cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh và chính xác, Tiki đã áp dụng các công nghệ tiên tiến để quản lý kho hàng và vận chuyển hàng hóa.
Tương tự, theo ông Lương Duy Hoài, đồng sáng lập kiêm CEO GHN, khi thị trường TMĐT đang ngày một phát triển, chi phí và thời gian giao hàng trở thành yếu tố then chốt quan trọng nhất giúp người tiêu dùng tiếp cận với TMĐT. Vì thế, GHN đã đầu tư vào công nghệ để nâng cao hiệu quả vận chuyển hàng hóa, đồng thời mở rộng mạng lưới kho hàng và điểm giao nhận hàng.
Đại diện Công ty chuyển phát nhanh VNPost cũng cho rằng, giao hàng nhanh có tiềm năng lớn tại Việt Nam, việc tăng cường đầu tư vào công nghệ và mở rộng mạng lưới giao nhận hàng để cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh và chính xác là yếu tố then chốt để đơn vị cạnh tranh miếng bánh thị phần.
Tuy nhiên, TMĐT và chuyển phát nhanh cũng đối mặt với một số thách thức nhất định. Cụ thể, với số lượng hàng hóa tăng đáng kể trong TMĐT, việc quản lý kho hàng trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Do đó, các doanh nghiệp cần phải đầu tư vào hệ thống quản lý kho hàng hiệu quả để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Nắm bắt trước những tiềm năng và thách thức, trong vòng 3 năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp logistics đã đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ để cạnh tranh thị phần. Theo đó, các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực chuyển phát nhanh của Việt Nam như Nin Sing Logistics Company Limited (Ninja Van), GHN (Fast Delivery), Viettel Post, BEST Express Vietnam (BEST Inc.), Swift247, GHTK, J&T Express (Vietnam), Nhat Tin Logistics, Kerry Express (Vietnam), Nasco Logistics JSC, VNPost… cũng đã phải đầu tư nhiều để giữ thị trường.
Năm 2023, ngành logistics được các chuyên gia đánh giá tiếp tục tăng trưởng nhờ xu hướng công nghệ, nổi bật là tự động hóa trong hoạt động logistics, tạo sự bền vững trong chuyển phát nhanh. Cụ thể, các công ty chuyển phát nhanh đã áp dụng công nghệ tiên tiến như hệ thống quản lý kho thông minh, ứng dụng di động, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để nâng cao chất lượng dịch vụ và tối ưu hoá quy trình vận chuyển, giảm thời gian giao hàng.
Điển hình như Viettel Post, DHL đang ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), big data và IoT để tối ưu hóa quy trình vận chuyển, quản lý kho thông minh và quản lý đội ngũ nhân viên. GrabExpress đã áp dụng công nghệ blockchain để đảm bảo tính an toàn và minh bạch trong quá trình giao hàng.
Ngoài ra, nhiều đơn vị chuyển phát nhanh cũng áp dụng công nghệ vào mã hóa thông tin khách hàng dưới dạng mã vạch thông minh (barcode) và đồng bộ, lưu trữ trên điện toán đám mây (Cloud computing) nhằm đảm bảo độ chính xác, bảo mật thông tin, đồng thời rút ngắn tối đa thời gian xử lý đơn hàng ngay từ khâu đầu tiên trong quy trình.
Không những vậy, các đơn vị chuyển phát nhanh còn chủ động tạo sự thuận lợi cho tam giác người bán - shipper - người mua khi giúp tinh giản quy trình thanh toán qua việc quét mã QR động trên thiết bị điện thoại của shipper. Mọi thông tin chi tiết về đơn hàng như loại hàng hóa, số tiền cần thanh toán sẽ tự động hiển thị mà không cần nhập thủ công.
Song song đó, để nâng cao chất lượng dịch vụ, nhiều công ty chuyển phát nhanh tại Việt Nam đã áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và thực hiện các khóa đào tạo nhằm nâng cao kỹ năng cho nhân viên. Một số công ty chuyển phát nhanh còn đang cố gắng tìm cách khác biệt hóa sản phẩm của mình bằng cách tạo ra các gói dịch vụ đa dạng hơn, ví dụ như dịch vụ giao hàng nhanh cùng ngày, giao hàng vào buổi tối, giao hàng tại nhà vào cuối tuần, giao hàng đến các địa điểm khác nhau, đảm bảo chất lượng sản phẩm trong quá trình vận chuyển.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, đơn vị nào ứng dụng công nghệ vào logistics mạnh mẽ và đáp ứng đúng với nhu cầu của người tiêu dùng, chắc chắn sẽ giành được nhiều “miếng bánh” thị phần chuyển phát nhanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, Chính phủ cũng phải đưa ra nhiều chính sách và hỗ trợ để thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực logistic, giúp ngành logistic tại Việt Nam có thể tiếp tục phát triển trong tương lai.