Tái cơ cấu DNNN hiện nay không chỉ đơn thuần là sắp xếp, tổ chức lại mà đòi hỏi sự đổi mới có chiều sâu, đi vào những vấn đề cốt lõi để phát hiện các nguyên nhân làm gia tăng hoặc giảm giá trị, phát huy các tiềm năng, khắc phục các tồn tại, bất cập của DNNN. Qua đó nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng cường vai trò dẫn dắt nền kinh tế của DNNN, hình thành các DNNN vững mạnh, đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Hiệu quả đượckhẳng định
Từ năm 2011 đến nay, toàn bộ 28 đơn vị trong Đảng bộ Khối các doanh nghiệp Trung ương đã hoàn thành xây dựng đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Trong đó có 19 đề án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và 9 đề án do các Bộ chủ quản phê duyệt. Đến nay có 5 công ty mẹ đã cổ phần hóa gồm Tổng Công ty: Bảo Việt, Xăng dầu, Thép, Dệt may, Hàng không. Năm 2015 cần cổ phần hóa 5 công ty mẹ của các đơn vị còn lại là TCT: Hàng Hải, Sông Đà, Tàu Thủy, HUD, Xi-măng.
9 tháng năm 2014, các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối đã thực hiện cổ phần hóa được 14/39 doanh nghiệp cần phải cổ phần hóa trong năm 2014 và đã thoái vốn được 4.311 tỷ đồng.
Hiệu quả từ việc tái cơ cấu đã và đang ngày càng được khẳng định, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam là một điển hình. Ông Nguyễn Xuân Sơn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên cho biết: Ngay sau khi được phê duyệt, Tập đoàn khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu, sắp xếp lại một số đơn vị. Bên cạnh đó, Tập đoàn có nhiều biện pháp, hình thức nhằm tối ưu hóa sản xuất kinh doanh, áp dụng công nghệ mới, cải tiến kỹ thuật và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực trong toàn ngành. Kết quả trong 3 năm, toàn Tập đoàn đã tiết giảm trên 12.050 tỷ đồng. Mặc dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng Tập đoàn Dầu khí vẫn duy trì tăng trưởng ổn định với tổng doanh thu hợp nhất 3 năm ước đạt 1.112,4 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 16,51%/năm.
Đại diện lãnh đạo Tập đoàn Điện lực cho biết, sau khi cổ phần hóa, hiệu quả hoạt động của tập đoàn đã tăng lên rõ rệt. Trong năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014, EVN đã tích cực thực hiện thoái vốn và giảm vốn tại các CTCP với tổng số tiền thu được là 701.255 triệu đồng.
Theo ông Phạm Viết Thanh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Vietnam Airlines, cổ phần hóa là cơ hội để Vietnam Airlines thay đổi chính mình, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực của Tổng công ty không chỉ hiện tại mà cả các nguồn lực đầu tư trong tương lai. Tháng 11/2014, Vietnam Airlines chào bán gần 49 triệu cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), tương đương 3,475% vốn điều lệ, giá khởi điểm 22.300 đồng/cổ phần…. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại lớn như: Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Công Thương Việt Nam (VietinBank), Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) sau khi cổ phần hóa đều đã quản lý tốt hơn, lợi nhuận thu về và các khoản nộp ngân sách Nhà nước lớn hơn so với trước khi cổ phần hóa.
Nâng cao nhận thức, ý thức trong lãnh chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ
Nhằm tiếp tục tạo động lực mạnh mẽ thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đã được xác định rõ trong Đề án tái cơ cấu DNNN, ngày 13/12, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương phối hợp với Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tổ chức tuyên dương Bí thư chi bộ tiêu biểu trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và tái cơ cấu DNNN. Thông qua việc tuyên dương Bí thư chi bộ tiêu biểu nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, bí thư chi bộ thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương trong lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để đạt, vượt mức kế hoạch năm 2014 của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, đồng thời tái cơ cấu doanh nghiệp một cách toàn diện. Bên cạnh đó, tiếp tục quán triệt sâu rộng về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước trong các năm 2014 - 2015. Coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần khẩn trương và kiên quyết hoàn thành.
Ông Bùi Văn Cường - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương khẳng định: Hầu hết DNNN sau khi cổ phần hóa hoạt động có hiệu quả hơn với các chỉ tiêu về tài chính, doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, vốn điều lệ đều tăng. Bên cạnh đó, hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng như năng lực cạnh tranh của DNNN, nhất là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã được nâng lên, cơ bản đáp ứng được nhu cầu thiết yếu cho quốc phòng, an ninh và nhiều sản phẩm, dịch vụ công ích. Đặc biệt, trong bối cảnh lạm phát, suy giảm kinh tế những năm gần đây, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đóng góp quan trọng trong bình ổn giá cả, vật tư hàng hóa, góp phần để Nhà nước thực hiện các chính sách vĩ mô, ổn định xã hội, ngăn chặn suy giảm kinh tế; mô hình tổ chức và phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng tại DNNN được đổi mới phù hợp hơn với điều kiện doanh nghiệp hoạt động trong cơ chế thị trường.
Tuy nhiên, tiến độ cổ phần hóa còn chậm do các căn cứ pháp lý, cơ chế, chính sách còn thiếu, chưa đồng bộ và chưa đáp ứng với hoạt động thực tế của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thoái vốn. Ngoài ra, tỷ lệ vốn để thoái trong doanh nghiệp còn nhỏ, khó khăn trong việc thẩm định giá; một số trường hợp giá trị thoái nhỏ, chi phí thẩm định giá lại lớn làm ảnh hưởng đến hiệu quả thoái vốn; công tác quản trị doanh nghiệp còn chậm đổi mới...
Trong thời gian tới, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ngân hàng nhà nước cần bám sát đề án tái cơ cấu, phương án sắp xếp DNNN đã được phê duyệt. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, cũng như rà soát, bổ sung hoàn thiện đề án tái cơ cấu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, doanh nghiệp thông qua các việc làm cụ thể, thiết thực trong việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và công tác xây dựng Đảng, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng trong doanh nghiệp.