Một nhà đầu tư Nhật Bản xây dựng nhà máy sản xuất nước giải khát bằng công nghệ hiên đại tại Khu Công nghiệp Mỹ Phước 2. Ảnh: Danh Lam/TTXVN |
Theo ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, trong đó địa phương chú trọng vào những dự án đầu tư nước ngoài có trình độ kỹ thuật, công nghệ sản xuất hiện đại, đặc biệt là các dự án lớn nhằm phát triển đô thị - dịch vụ chất lượng cao.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Trúc, đầu năm 2017 tình hình thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tại Bình Dương đã có nhiều khởi sắc. Trong tháng 1, tỉnh Bình Dương đã thu hút được 696,3 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài. Đáng chú ý là các dự án Khu công nghiệp Việt Nam Singapore III, tổng vốn đầu tư 284,75 triệu USD do Singapore đầu tư tại Bình Dương với mục tiêu đầu tư, xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp; dự án sản xuất sản xuất bố lốp và túi khí ô tô với tổng vốn đầu tư 220 triệu USD do Tập đoàn Kolon Industries Inc (Hàn Quốc) đầu tư tại khu công nghiệp Bầu Bàng (tỉnh Bình Dương).
Như vậy, tính đến nay, toàn tỉnh Bình Dương đã có trên 2.800 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng số vốn là 25,5 tỷ USD, nằm ở vị trí trong top 5 tỉnh, thành thu hút đầu tư lớn nhất cả nước.
Trong năm 2016, tình hình thu hút đầu tư nước ngoài ở Bình Dương đạt trên 2 tỷ USD, gồm 240 dự án cấp mới với số vốn 1,365 tỷ USD, và 123 lượt dự án tăng vốn thêm 675 triệu USD. Như vậy, so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra, vốn FDI thu hút được trong năm 2016 đã vượt 145%.
Đa số các dự án đăng ký mới đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo và dịch vụ. Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, là 3 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư lớn nhất ở tỉnh Bình Dương.
Không chỉ gây ấn tượng về số dự án thu hút thành công, mức đầu tư…, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Bình Dương cũng đã góp phần tích cực vào tăng thu ngân sách nhà nước. Trong năm 2016, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Bình Dương đã đóng góp thuế vào ngân sách trên 9.090 tỷ đồng, đạt 100,3% dự toán, bằng 112,5% so với năm 2015.
Tương tự, tại tỉnh Đồng Nai, Sở Kế hoạch và đầu tư cho biết, tính từ đầu năm đến ngày 15/2/2017, trên địa bàn tỉnh có thêm 16 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp mới và tăng vốn với số tiền 163 triệu USD.
Theo đó, có 7 dự án cấp mới với tổng vốn 126,7 triệu USD, có 9 dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn tăng thêm 36,2 triệu USD. Một số dự án cấp mới tiêu biểu, như Dự án Công ty TNHH Pou Phong Việt Nam (100% vốn British Virgin Islands) thuê nhà xưởng của Công ty TNHH Pou Sung Việt Nam với số vốn đầu tư đăng ký 55 triệu USD; Dự án Công ty TNHH Powerknit Việt Nam (100% vốn British Virgin Islands) thuê nhà xưởng của Công ty TNHH Pou Sung Việt Nam với số vốn đầu tư đăng ký 60 triệu USD.
Dự án Công ty TNHH Koyu & Unitek (thuộc liên doanh Hồng Kông (Trung Quốc) và Nhật Bản tại khu công nghiệp Loteco với vốn đầu tư đăng ký tăng thêm trên 14,5 triệu USD; Dự án Công ty TNHH Kyodo Printing Việt Nam (100% vốn Nhật Bản) tại khu công nghiệp Amata với vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 6,5 triệu USD…
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai, các dự án FDI đầu tư vào Đồng Nai thời gian qua đều phù hợp với chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh là chọn lọc, ưu tiên chọn dự án công nghệ cao, lao động có tay nghề, dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ, dự án thân thiện môi trường. Các dự án đầu tư FDI đầu tư vào Đồng Nai từ đầu năm đến nay chủ yếu đến từ các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, British Virgin Islands, Đức…
Như vậy, đến ngày 15/02/2017 trên địa bàn Đồng Nai có 1.671 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 30,46 tỷ USD. Trong đó, số dự án còn hiệu lực là 1.260 dự án tổng vốn 25,83 tỷ USD. Các dự án đầu tư FDI trên địa bàn Đồng Nai đến từ 44 quốc gia và vùng lãnh thổ, dẫn đầu theo thứ tự là Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản.