Đặc biệt là thông qua hợp tác xã, người sản xuất được kết nối tiêu thụ trực tiếp với người thu mua nhanh chóng, nắm bắt thông tin và nhu cầu của thị trường để điều chỉnh sản xuất hiệu quả.
Doanh thu nâng cao
Trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam hiện nay, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, ổn định giá cả và kiềm chế lạm phát, tăng kim ngạch xuất khẩu, tái cơ cấu nền kinh tế và giúp người sản xuất nâng cao thu nhập hơn so với sản xuất và tiêu thụ đơn lẻ.
Thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, tỉnh Sóc Trăng đã phát huy tối đa vai trò của hợp tác xã, tạo điều kiện cho các thành viên hợp tác xã nâng cao doanh thu, mở rộng sản xuất và tiếp cận thị trường.
Theo bà Hồ Thị Cẩm Đào, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng, ước đến 31/12/2021, doanh thu bình quân của một hợp tác xã tại tỉnh Sóc Trăng là hơn 4,5 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 3,66 tỷ đồng/năm so thời điểm năm 2001; lợi nhuận bình quân của một hợp tác xã khoảng 230 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của thành viên, lao động của hợp tác xã ước đến thời điểm 31/12/2021 khoảng 12 triệu đồng/năm, tăng 2 triệu đồng/năm so với thời điểm năm 2001. Đóng góp của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vào GRDP của tỉnh ước đến 31/12/2021 là 0,13%.
Bên cạnh những đóng góp về mặt kinh tế, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã còn có vai trò rất quan trọng trong vấn đề chính trị, an sinh, xã hội tại cộng đồng. Mô hình hợp tác xã tác động đến kinh tế thành viên thông qua tạo việc làm, giảm chi phí, tăng giá bán, góp phần cải thiện thu nhập, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội tại địa phương.
Thực tế cho thấy, giữa hộ thành viên hợp tác xã so với hộ không phải là thành viên hợp tác xã không chênh nhau về năng suất lao động nhưng giá thành thì có sự chênh lệch rõ rệt. Các hộ thành viên hợp tác xã bán hàng với giá cao hơn các hộ không phải thành viên hợp tác xã khoảng trên dưới 10%, chi phí sản xuất giảm khoảng từ 20-25%, qua đó khẳng định vai trò quan trọng của hợp tác xã đối với nông dân.
Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có 206 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; trong đó, có 149 hợp tác xã trồng trọt, 17 hợp tác xã chăn nuôi, 37 hợp tác xã thuỷ sản, 3 hợp tác xã nông nghiệp tổng hợp. Các hợp tác xã ngày càng chú trọng thực hiện liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp cung ứng đầu vào và tiêu thụ đầu ra, đặc biệt là trên các ngành hàng chủ lực.
Theo đó, toàn tỉnh hiện có 12 chuỗi liên kết và hợp tác xã nông nghiệp có hợp đồng liên kết bao tiêu, các sản phẩm chủ yếu là các loại rau củ như: Cải xanh, bắp cải, mồng tơi, rau dền, khổ qua, rau muống, xà lách, cải ngọt, tỏi nguyên củ, hành tím... và một số sản phẩm như nấm bào ngư xám, nấm linh chi, dưa lưới, đu đủ và một số sản phẩm có nguồn gốc động vật như thịt heo tươi, trứng gà...
Thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/05/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Quyết định số 1397/QĐ-UBND, ngày 20/5/2019 về việc phê duyệt Đề án Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030; qua đó, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị; phát triển sản phẩm và các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo hướng gia tăng lợi ích cho cộng đồng. Tính đến nay, toàn tỉnh có 20 sản phẩm của 15 hợp tác xã đạt chuẩn OCOP; trong đó, có 7 sản phẩm đạt 4 sao và 13 sản phẩm đạt 3 sao.
Mở rộng tiêu thụ
Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế tập thể thì việc tăng cường sự liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nông dân thông qua mô hình hợp tác xã để tổ chức sản xuất và mở rộng tiêu thụ nông sản, nâng cao doanh thu cho người sản xuất cũng là một nhu cầu mang tính tất yếu và luôn được ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng chú trọng.
Trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng đã tham mưu UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành Nghị quyết số 03/2019 về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Nhờ làm tốt tuyên truyền và hỗ trợ triển khai thực hiện, nên số lượng hợp tác xã thực hiện liên kết với doanh nghiệp ngày càng nhiều.
Tính đến nay, tỉnh Sóc Trăng có 54 hợp tác xã và 371 tổ hợp tác trong nông nghiệp có hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ với các doanh nghiệp, công ty... và diện tích có hợp đồng liên kết bao tiêu trên cây lúa là trên 53.173 ha cùng nhiều diện tích cây ăn trái khác như bưởi da xanh, vú sữa tím…
Theo ông Lê Văn Phải, Giám đốc Hợp tác xã bưởi Thành Công, hợp tác xã đã được các đơn vị chuyên môn tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ chủ chốt của hệ thống quản lý chất lượng và nhà vườn trồng bưởi về tiêu chuẩn VietGAP; tạo ra sản phẩm trái bưởi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có thể truy xuất nguồn gốc.
Đến nay, Hợp tác xã bưởi Thành Công đã được trao giấy chứng nhận VietGAP cấp 4 mã số vùng trồng (mã code) để đủ điều kiện xuất khẩu trái bưởi, với diện tích 37,3 ha, sản lượng 746 tấn, của 28 hộ thành viên. Nhờ sản xuất theo quy trình VietGAP và được cấp mã số vùng trồng, trong năm 2019, hợp tác xã đã hợp đồng cung ứng hơn 60 tấn bưởi để xuất khẩu sang thị trường châu Âu, đạt lợi nhuận 210 triệu đồng/thành viên, cao hơn so với bán cho thương lái bên ngoài.
Thêm vào đó, trong năm 2020, Ban Quản lý Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh đã giới thiệu Công ty Cổ phần VINAGREENCO thu mua của Hợp tác xã bưởi Thành Công 132 tấn bưởi; trong đó có 121 tấn bưởi da xanh, 11 tấn bưởi 5 roi. Ngoài ký kết hợp đồng theo thời vụ, Hội đồng quản trị Hợp tác xã còn tranh thủ hướng dẫn các thành viên chăm sóc và cho trái nghịch mùa để bán có giá theo nhu cầu thị trường, nhằm tăng thêm thu nhập. Riêng năm 2020, hợp tác xã cũng đã có 2 sản phẩm gồm bưởi da xanh và bưởi năm roi được đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh.
Ông Ngô Công Luận, Giám đốc Hợp tác xã Nông ngư 14/10 (Sóc Trăng) cũng khẳng định, kinh tế tập thể đã giúp cho người sản xuất có thêm nhiều thông tin và học hỏi kinh nghiệm được nhiều hơn trong quá trình sản xuất. Kinh nghiệm sản xuất là một trong những yếu tố giúp người dân giảm chi phí sản xuất, nâng cao lợi nhuận và đáp ứng được yêu cầu của thị trường hiện nay.
Thông qua hợp tác xã, các thành viên hợp tác xã tiếp cận được sự hướng dẫn của WWF (Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam), ICAFIS (Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thuỷ sản Bền vững) để sản xuất tôm sạch theo tiêu chuẩn ASC (Hội đồng Quản lý nuôi trồng thủy sản của châu Âu), xuất khẩu sang thị trường châu Âu và có khả năng mở rộng sang các thị trường khó tính khác.