Theo đó, sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án từ Bộ Giao thông Vận tải sang UBND tỉnh Tiền Giang, lãnh đạo tỉnh đã khẩn trương bắt tay vào các công việc bức thiết trước mắt nhằm đảm bảo cho dự án triển khai với tiến độ nhanh, đạt chất lượng, hiệu quả.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn cho biết, địa phương đã phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan giao nhận hồ sơ, tài liệu liên quan dự án; thành lập Ban Chỉ đạo dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn I theo hình thức hợp đồng BOT (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ thành viên. Ban Chỉ đạo chính thức đi vào hoạt động từ cuối tháng 3/2019.
Mặt khác, UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã làm việc với Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận để lắng nghe những đề xuất, kiến nghị, khó khăn, vướng mắc để cùng tìm ra giải pháp tháo gỡ kịp thời để dự án vận hành thuận lợi, công trình đảm bảo tiến độ và hoàn thành, sớm đưa vào phát huy hiện quả trong đời sống xã hội, đáp ứng nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Đặc biệt, hàng tuần, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng đều dành một buổi đối thoại nhằm giải quyết thỏa đáng kiến nghị đối với những hộ dân trong diện giải tỏa nhưng chưa chấp thuận mức bồi thường đồng thời trực tiếp khảo sát thực địa toàn tuyến dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận để kịp thời cho ý kiến, biện pháp giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của công trình nói chung.
Ngoài ra, trong các ngày 4 và 5/4, UBND tỉnh Tiền Giang đã tham gia cùng đoàn công tác của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng kiểm tra hiện trường, đánh giá tình hình xây dựng của tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo nhằm bảo đảm dự án hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng công trình.
Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đầu tư trên địa bàn Tiền Giang có chiều dài 51,1 km qua các địa phương Châu Thành, Tân Phước, thị xã Cai Lậy, Cai Lậy, Cái Bè. Giai đoạn I dự án có bề rộng nền đường 17 m, 4 làn xe cơ giới, 39 cầu trên tuyến chính, 4 cầu trong nút giao liên thông, 5 cầu vượt trực thông, 1 cầu trên tuyến tránh đường tỉnh 8, 2 cầu trên tuyến nối nút giao Cái Bè.
Tổng mức đầu tư dự án là 9.669 tỷ đồng trong đó riêng tiểu dự án giải phóng mặt bằng 1.9 tỷ đồng, 3.290 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó, đã có 1.870 hộ dân nhận tiền bồi thường giải tỏa. Đến nay, đã bàn giao 49,2 km, đạt tỷ lệ 96% tổng chiều dài toàn tuyến.
Theo báo cáo của Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, đối với gói thầu xây lắp, đã phê duyệt 21/25 gói thiết kế bản vẽ thi công và đã triển khai thi công 19 gói thầu xây lắp với khối lượng thi công đạt 15%.