Từ mô hình đồng quản lý mà cánh rừng ngập mặn ven biển ấp Võ Thành Văn, xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng ngày càng phát triển, nguồn lợi tự nhiên từ rừng tăng lên, góp phần cải thiện cho đời sống của người dân. Bảo vệ môi trường sốngGiữa cái nắng gay gắt những ngày cuối tháng 10, anh Thạch Sơn, Trưởng nhóm đồng quản lý cánh rừng ngập mặn với diện tích 300 ha vẫn cặm cụi dọn vệ sinh khu mô hình bảo vệ tôm càng xanh mang trứng. Anh Sơn cho biết: “Kể từ khi nhóm đồng quản lý rừng ngập mặn thành lập vào tháng 9/2013, chúng tôi còn đảm nhận thêm mô hình bảo vệ tôm càng xanh nữa. Tính đến thời điểm này, chúng tôi đã đưa về môi trường tự nhiên hơn 750 con tôm càng xanh rồi. Còn cánh rừng ngập mặn với những loài cây bần, đước, vẹt ngày càng sinh trưởng tốt tươi và bãi bồi đã phát triển ra gần 500 mét so với ban đầu”.
Anh Thạch Sơn, Trưởng nhóm đồng quản lý ấp Võ Thành Văn đang dọn vệ sinh khu vực bảo tồn tôm càng xanh mang trứng. |
Theo anh Sơn, kể từ khi có dự án, người dân đến với mô hình vì hiểu được rằng nếu cánh rừng không được bảo vệ thì cuộc sống mưu sinh của nhân dân nơi đây sẽ kiệt quệ trong thời gian không xa. “Người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề khai thác thủy sản tự nhiên, hầu như không ai có đất sản xuất. Những năm trước, không ít người dân khai thác theo kiểu tận diệt, phá hủy rừng bằng dao, búa, len, cuốc bới tung đất rừng, nhiều cây rừng bị bật gốc. Rồi lại dùng điện, hóa chất, dùng vợt lưới có đường kính hơn 50 cm để tận thu các loài thủy sản. Nhưng bây giờ thì khác rồi” - anh Sơn kể lại.
Nhóm đồng quản lý với 52 thành viên là những hộ dân nghèo sống tại ấp Võ Thành Văn tự nguyên tham gia theo dự án hợp tác kỹ thuật Việt - Đức “Quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên vùng ven biển tỉnh Sóc Trăng” (GIZ) với mục tiêu là quản lý tốt rừng ngập mặn, khai thác bền vững tài nguyên dưới tán rừng, cung cấp lợi ích cho cộng đồng địa phương thông qua việc tiếp cận hợp lý và được đảm bảo tài nguyên thiên nhiên trong rừng phòng hộ. Đồng thời đảm bảo việc sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên và bảo vệ hiệu quả các khu rừng ngập mặn góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH).
Nhóm đồng quản lý rừng ngập mặn ven biển Võ Thành Văn là nhóm đồng quản lý rừng thứ 3 được thành lập tại Sóc Trăng, sau nhóm đồng quản lý rừng ngập mặn ấp Mỏ Ó, thuộc xã Trung Bình, huyện Trần Đề và nhóm đồng quản lý rừng ngập mặn ấp Âu Thọ B, thuộc xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu. Ông Hồ Thanh Kiệt, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cù Lao Dung, cho biết: “Đây là một mô hình rất hiệu quả vì có sự phối hợp của các ban, ngành và sự cam kết tự nguyện của cộng đồng. Chính vì vậy đã nâng cao trách nhiệm trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên vùng ven biển bền vững”.
Còn nhiều gian nan
Chúng tôi đi dọc con đê quốc phòng được bao quanh là tán rừng ngập mặn đang phát triển từng ngày và chia thành nhiều khu vực: Khu phòng hộ, khu phục hồi bên trong và ngoài rừng và khu sử dụng bền vững. Theo lời anh Sơn, khu phòng hộ tuyệt đối không được khai thác và nhóm đồng quản lý tổ chức tuần tra nghiêm ngặt để ngăn ngừa người lạ vào rừng trái phép. Còn khu vực còn lại thì chỉ có các thành viên trong nhóm được vào rừng khai thác nhưng tuân thủ những quy định như: Chỉ bắt thủy sản khi nước ròng, chỉ đánh bắt bằng tay hoặc dùng vợt có đường kính nhỏ hơn 50 cm... Anh Sơn cho biết: “Qua thời gian, các hộ dân tuân thủ nghiêm quy định nên thủy sản tự nhiên phục hồi lại rất nhanh. Nếu thành viên nào vi phạm sẽ bị loại ra khỏi nhóm đồng quản lý. Có nghĩa là mất luôn kế sinh nhai. Do vậy, bất cứ thành viên nào cũng luôn có ý thức bảo vệ vì nhờ cánh rừng này mà cuộc sống chúng tôi không bao giờ lo thiếu cái ăn”.
Ông Hà Thanh Vô, Trưởng Ban Mặt trận Tổ quốc ấp Võ Thành Văn cũng là một trong những thành viên trong nhóm đồng quản lý rừng ngập mặn trăn trở: “Tuy người dân nơi đây đã hiểu được giá trị sống còn của việc gìn giữ, phát triển rừng ngập mặn và cánh rừng này chúng tôi xem như là tài sản lớn nhất của cộng đồng dân cư ấp. Nhưng hiện nay, việc quản lý, bảo vệ rừng và thủy sản tự nhiên còn gặp nhiều khó khăn vì rất nhiều người từ nơi khác đến khai thác theo kiểu tận diệt môi trường vẫn diễn ra”.
Theo ông Vô, từ ngày thành lập, nhóm đã phát hiện nhiều trường hợp xâm nhập, khai thác thủy sản ven bờ trái phép mà chủ yếu là người dân ở các huyện khác của tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Trà Vinh. Trong đó, có trường hợp một nhóm lên đến hàng chục người cùng tổ chức khai thác thủy hải sản tự nhiên trái phép bằng những dụng cụ phá hủy môi trường và gây tổn hại cho những cây bần, đước, vẹt vừa mới sinh trưởng. “Họ là những người nghèo không có tàu thuyền, nghề mưu sinh chủ yếu là đánh bắt trên bãi bồi. Ở khu vực nơi họ sinh sống đã khai thác hết rồi nên cùng nhau góp tiền thuê tàu đi khai thác nơi khác. Chúng tôi phát hiện nhưng chỉ nhắc nhở chứ không có đủ khả năng ngăn chặn. Tuy nhiên khi báo về chính quyền địa phương hoặc lực lượng bộ đội biên phòng, kiểm tra để xử lý thì chưa kịp đến hiện trường họ đã bỏ đi mất để lại một bãi bồi tan hoang. Nếu chúng tôi có được một máy ảnh để ghi lại sau đó báo cho cơ quan chức năng có phương án xử lý nguội cũng là một giải pháp giúp cho nhóm đồng quản lý chúng tôi bảo vệ tốt được cánh rừng ngập mặn này” - ông Vô khẳng định.
Bài và ảnh: Anh Đức