Để bình ổn giá thật sự đến với người nghèo

Được đánh giá như giải pháp căn cơ trong việc điều tiết thị trường, chương trình bình ổn giá của TP Hồ Chí Minh đang phát huy hiệu quả trong việc giúp người dân đỡ gánh nặng chi tiêu. Để chương trình phát huy được hiệu quả cao, cần tăng thêm các điểm bán hàng đến tận tay người tiêu dùng nghèo.

Bình ổn… chưa ổn

Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, năm 2011 số lượng hàng hóa tham gia bình ổn chiếm bình quân 20 - 25% so với nhu cầu của thị trường và dịp Tết sẽ tăng 30 - 40%. Ngay từ đầu tháng 4, các đơn vị tham gia chương trình đã được giải ngân vốn, chủ động tạo nguồn hàng tham gia bình ổn thị trường. So với năm 2010, tổng số vốn thực hiện bình ổn năm 2011 tăng không đáng kể nhưng chủng loại, số lượng và các doanh nghiệp tham gia tăng hơn 50%. Hầu hết các mặt hàng trong chương trình bình ổn giá đều đảm bảo tiêu chí thấp hơn giá thị trường từ 10 – 30%.

Chỉ bày bán ở khu vực trung tâm, hàng bình ổn giá ít có cơ hội đến với người dân vùng sâu, vùng xa. Ảnh: Lê Nghĩa

Giá rẻ hơn thị trường, hàng hóa trong chương trình bình ổn giá đang thu hút sự quan tâm của các bà nội trợ. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, để mua được hàng bình ổn là điều không dễ dàng, đặc biệt các khu vực ngoại thành, vùng sâu, vùng xa, khi hệ thống phân phối của các doanh nghiệp tham gia vẫn chủ yếu tập trung ở các siêu thị hay những điểm bán ở khu vực trung tâm, thị tứ. Mặt khác, hàng bình ổn chỉ phân phối đến hệ thống bán lẻ và mỗi người chỉ mua được một lượng ít cho một lần mua. “Theo danh sách đăng ký của các doanh nghiệp, toàn thành phố có gần 2.000 điểm bán hàng bình ổn và phải thực hiện treo băng rôn, khẩu hiệu để người dân biết. Thực tế con số trên là quá ít, chưa nói đến các điểm bán lại quá đơn điệu về mặt hàng cũng như do không quảng bá nên nhiều người tiêu dùng không nhận biết”, một người dân nhận xét.

Ưu tiên phục vụ công nhân

“Năm 2011, số điểm bán hàng bình ổn giá trên địa bàn thành phố tăng khoảng 20% so với năm 2010, trong đó chúng tôi đã đề ra mục tiêu đến cuối năm 2011 tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) đều phải có siêu thị hoặc cửa hàng bán hàng bình ổn giá”, bà Lê Ngọc Đào, PGĐ Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh khẳng định. Theo đó, cùng với các điểm bán hàng bình ổn sẵn có, thành phố sẽ phát triển ít nhất 100 - 200 điểm bán mới chuyên kinh doanh các mặt hàng bình ổn. Ngoài ra Sở đã yêu cầu Ban quản lý các KCN, KCX đăng ký thời gian, điểm bán cụ thể để thành phố có kế hoạch đưa hàng bán lưu động và các quận huyện phải rà soát thật kỹ các chợ bán lẻ sử dụng chưa hết công năng để tổ chức các cửa hàng chuyên bán hàng bình ổn trong tương lai.

Để đảm bảo đúng mục đích đưa hàng bình ổn đến tay người dân có thu nhập thấp, theo bà Đào, chương trình năm nay đã chú trọng phát triển các điểm bán đến khu dân cư ngoại thành, đặc biệt các KCX – KCN. Số liệu của Sở Công Thương cho biết đến nay các doanh nghiệp đã đăng ký hơn 2.300 điểm bán hàng, tăng ít nhất 20% so với năm ngoái và vượt kế hoạch dự kiến của thành phố. Đại diện nhiều doanh nghiệp như Satra, Sài Gòn Co.op… đã chủ động ký kết với các quận, huyện ngoại thành khi tăng cường tổ chức các đợt bán hàng lưu động những mặt hàng thiết yếu với giá bình ổn tại các điểm ở các khu lao động nghèo, đông sinh viên và công nhân. “Riêng những điểm bán hàng bình ổn giá chưa thực hiện đúng quy định hoặc không hiệu quả, Sở đang xây dựng lại danh sách mới, trong đó chú trọng gắn chặt với việc chấp hành đúng quy định cũng như thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ”, bà Đào cho hay.

Lê Nghĩa


 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN