Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã bước sang năm thứ 5 và khẳng định sức lan tỏa cũng như nhiều lợi ích trong đời sống xã hội. Có lẽ chính từ chương trình này mà niềm tin và tình cảm của người dân Việt Nam đối với hàng nội không ngừng được nâng cao. Người tiêu dùng ngày càng có xu hướng sử dụng hàng nội nhiều hơn. Các doanh nghiệp cũng vì thế mà luôn nỗ lực cải tiến kỹ thuật, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Giành lại thị trường Việt Chị Nguyễn Thu Phương, nhân viên ngân hàng Maritime Bank cho biết: "Trước đây khi chọn lựa những mặt hàng đòi hỏi kĩ thuật cao như tivi, tủ lạnh, máy vi tính…, người tiêu dùng chúng tôi vẫn coi các thương hiệu ngoại nhập có uy tín là sự lựa chọn hàng đầu. Tuy nhiên, vài năm trở lại không chỉ riêng tôi mà bạn bè và đồng nghiệp xung quanh cũng đã thay đổi thói quen mua sắm và chuyển sang dùng một số mặt hàng thông thường trong nước sản xuất bởi chất lượng cũng như mẫu mã đã được cải thiện đáng kể. Không những thế, thời kỳ kinh tế khó khăn như hiện nay thì giá cả các mặt hàng do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất là hoàn toàn có thể chấp nhận được".
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, Phó Ban chỉ đạo Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, suốt 4 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Bộ Công Thương cho rằng Chương trình hành động càng cụ thể thì triển khai càng có kết quả. Và điều này đã được thực tế chứng minh. So với năm 2009 là thời điểm bắt đầu cuộc vận động, đến nay nhận thức của toàn xã hội về cuộc vận động đã có những chuyển biến rõ rệt, từ nhận thức của người tiêu dùng, người sản xuất và người phân phối lưu thông. Những thành công bước đầu này mang lại những bài học và kinh nghiệm rất cần thiết để tiếp tục triển khai cho giai đoạn mới.
Liên hiệp HTX Tp.Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) tổ chức chương trình “Hàng Việt về nông thôn” tại tỉnh Long An. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN |
Tính đến thời điểm này, Bộ Công Thương, các địa phương và các đơn vị, doanh nghiệp đã tổ chức được gần 1.700 đợt bán hàng về nông thôn với hơn 13.000 lượt doanh nghiệp tham gia với hơn 24.000 gian hàng, thu hút gần 3 triệu lượt người dân địa phương tới tham quan, mua sắm và doanh thu mang lại là hơn 1,78 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, tại các tỉnh biên giới, các đợt bán hàng Việt không chỉ thu hút được người dân trên địa bàn tới tham quan mua sắm mà còn thu hút được đông đảo dân cư của các nước láng giềng như Lào, Campuchia...
Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay: Thống kê sản xuất, tiêu thụ hàng hoá, có đến hơn 70% người tiêu dùng trong nước đã tin tưởng chất lượng hàng Việt và mua hàng Việt. Có thể nói, hàng nội đã nâng cao được sức cạnh tranh so với hàng ngoại, làm thay đổi suy nghĩ, thói quen sính hàng ngoại của người tiêu dùng. Vì vậy, việc hàng Việt giành lại được thị trường Việt bên cạnh sự nỗ lực và cải tiến công nghệ của các doanh nghiệp phải kể đến các biện pháp hỗ trợ của Bộ Công Thương về vốn đầu tư, bảo vệ hàng nội qua rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại miễn là không trái với các hiệp định thương mại Việt Nam đã ký với các nước.
Theo ông Quyền, các Sở Công Thương đã cùng chính quyền các tỉnh, thành phố tổ chức các đợt bán hàng bình ổn giá, đưa hàng về nông thôn với hàng nghìn đợt bán hàng, hàng chục nghìn lượt doanh nghiệp tham gia. Các hoạt động này càng sôi động tại các thành phố lớn, như tại Hà Nội, đã tổ chức phiên chợ huyện, 470 chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng phục vụ các khu công nghiệp và nhân dân 13 xã miền núi. Đến thời điểm này cả nước có hơn 9.000 điểm bán hàng bình ổn và điều đáng mừng là tại các điểm này hàng Việt chiếm tới trên 90%.
Đi tìm bản sắc Nếu như trước đây, các mặt hàng lậu, hàng giả trên thị trường thường nhái theo các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới thì hiện nay những sản phẩm nhái hàng Việt xuất hiện ngày càng nhiều, nhất là các mặt hàng lương thực - thực phẩm, hàng may mặc, thiết bị gia dụng… Người tiêu dùng vẫn rất khó khăn và bối rối khi lựa chọn cả hàng Việt lẫn hàng ngoại. Đơn cử như tại các thành phố lớn, giới trung lưu và những người khá giả ưa chuộng hàng hiệu Mỹ, Ý, Pháp, Nhật, thì ở vùng nông thôn các sản phẩm của Thái Lan, Trung Quốc… đang chiếm một tỷ lệ lớn, cũng không phải là do chất lượng, hay thương hiệu nổi tiếng mà đơn giản là hàng của các nước này vừa có giá rẻ, có hệ thống phân phối len lỏi đến tận các vùng sâu, vùng xa. Đây là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp phải chú trọng hơn nữa tới thị trường nội địa, cũng như đầu tư máy móc, con người để làm ra sản phẩm có chất lượng, mang bản sắc riêng mà giá thành hợp lý nhằm tôn vinh hàng Việt.
Thứ trưởng Hồ Thị Kim đã đề xuất Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng về chủ trương của Cuộc vận động. Cùng với việc thường xuyên duy trì các chuyên trang, chuyên mục về Cuộc vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng, sẽ hướng dẫn lồng ghép nội dung Cuộc vận động trong các hội nghị, các cuộc sinh hoạt của các tổ chức, đoàn thể. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện Cuộc vận động tại các Bộ, ngành và địa phương trên cả nước.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động tiếp tục đề xuất với Chính phủ cần tăng cường đầu tư, bố trí nguồn lực, kinh phí để triển khai các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Cuộc vận động. Đồng thời có ý kiến ủng hộ Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động do Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Ban Thường trực Trung ương Cuộc vận động, các Bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan xây dựng và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Đề án.
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho biết thêm , năm 2014 và những năm tiếp theo bên cạnh việc chú trọng tuyên truyền, vận động nâng cao hơn nữa nhận thức của người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất, các nhà phân phối thì các nhà sản xuất Việt Nam cũng phải nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm so với hàng ngoại nhập cùng loại.
"Bởi lẽ, tuyên truyền tốt đến mấy mà chất lượng sản phẩm của chúng ta kém thì không thuyết phục được người tiêu dùng. Trước mắt, năm 2014 ngành Công Thương sẽ triển khai sâu rộng, mạnh mẽ hơn với các chương trình cụ thể hơn. Trong đó chú trọng vào đội ngũ sinh viên, học sinh, lớp trẻ và những công đoàn viên ngành Công Thương", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Uyên Hương