Hàng Việt 'lên ngôi' - Bài 1: Cán cân nội-ngoại đang thay đổi

Ngày 9/3, Thành đoàn Đà Nẵng phối hợp với Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động “Chương trình cung cấp kiến thức An toàn giao thông cho học sinh trung học phổ thông năm 2014”. Hơn 1.000 học sinh đã tham gia chương trình. Nhiều mặt hàng của các doanh nghiệp Việt đã phủ sóng ở cả thị trường nông thôn, thành phố, có sức cạnh tranh ngày càng cao với hàng ngoại.


Bài 1: Cán cân nội - ngoại đang thay đổi


Theo số liệu mới nhất của Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đã có 71% người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt Nam chất lượng cao. Tại nhiều hệ thống siêu thị lớn, hàng hóa sản xuất trong nước đã chiếm tỷ trọng lớn từ 80 - 90%.


Hàng nội mở rộng thị trường


Bộ Công Thương đánh giá, mặc dù kinh tế khó khăn khiến sức mua suy giảm nhưng thị phần của nhiều doanh nghiệp (DN) tại thị trường nội địa lại có xu hướng tăng lên. Thời gian qua, nhiều tập đoàn, tổng công ty đã không ngừng mở rộng các kênh phân phối, nâng cao chất lượng… nhằm tiếp cận người tiêu dùng. Thậm chí, nhiều mặt hàng sản xuất trong nước đã có sức cạnh tranh tốt hơn với hàng ngoại.


Người tiêu dùng yên tâm sử dụng hàng hóa Việt Nam trong hệ thống siêu thị Saigon Co.op.


Sự vươn lên của các sản phẩm dệt may Việt Nam là một ví dụ điển hình. Hàng dệt may trong nước từng bị “chèn ép” quyết liệt với hàng từ Trung Quốc, Thái Lan ở cả thị trường thành thị và nông thôn. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhờ giá cả phải chăng, mẫu mã đa dạng nên hàng dệt may trong nước ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Dọc các con phố mua sắm thời trang sầm uất tại TP Hồ Chí Minh như Nguyễn Trãi, Cách mạng Tháng Tám… có thể dễ dàng nhận thấy, hệ thống các cửa hàng thời trang của các DN trong nước chiếm phần lớn và tấp nập khách hàng. Đặc biệt hơn, không chỉ xuất hiện tại các khu phố mua sắm, những thương hiệu thời trang Việt như: Foci Hoàng Tấn, F.Jeans (May Phương Đông), Bloom và Jump (Hanosimex), Sending (May Sài Gòn 2)… đã “đàng hoàng” sánh vai với các thương hiệu ngoại tại các trung tâm mua sắm vốn chỉ ưu tiên kinh doanh hàng hiệu như: Dimond, Parkson… Điều đó cho thấy, hàng Việt đang ngày càng mở rộng thị phần và có khả năng cạnh tranh với hàng ngoại ngay trên “sân nhà” trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay.


Theo Bộ Công Thương, đến nay, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), đã thành lập hệ thống siêu thị bán lẻ Vinatexmart tại 24 tỉnh, thành phố. Các đơn vị thành viên của Vinatex cũng tích cực mở rộng hệ thống cửa hàng, đại lý giới thiệu sản phẩm về khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, với hơn 4.000 điểm bán hàng.


Đặc biệt, các DN Việt rất chú trọng tới việc mở rộng thị trường nông thôn, nơi tập trung tới 70% dân số của cả nước và sức tiêu dùng hàng hóa cũng tăng lên. Đến nay, Vinatex đã tổ chức hơn 60 đợt bán hàng tới các khu công nghiệp và đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Tổng Công ty Giấy Việt Nam cũng đã tham gia ký kết thỏa thuận đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa với 14 Sở Công Thương các tỉnh miền núi phía Bắc. Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam thì chú trọng tham gia các hội chợ, chương trình bình ổn thị trường nhằm thu hút người tiêu dùng.


Các đơn vị phân phối do nắm bắt được sự thay đổi trong tâm lý mua sắm của người dân, nên đã chủ động nâng cao tỉ trọng của hàng Việt trong các hệ thống phân phối hiện đại của cả nước. Điển hình ở các siêu thị Co.op Mart, Hapro… tỷ lệ hàng Việt đạt hơn 90% trong tổng số hàng hóa kinh doanh.


Ông Nguyễn Xuân Hải, GĐ điều hành toàn quốc hệ thống BigC cho biết, các DN trong nước đã có những nỗ lực để đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường nội địa. Nhiều vấn đề trước kia vốn là “tử huyệt” của các nhà sản xuất trong nước như: mẫu mã, chất lượng sản phẩm… thì hiện đã có sự thay đổi, đa dạng hóa chủng loại, kích cỡ… đem lại sự hài lòng cho người tiêu dùng.


Bước tiến về chất lượng


Không bằng lòng với những gì đã làm được, nhiều DN trong nước đang không ngừng đổi mới công nghệ, kĩ thuật để cho ra đời nhiều sản phẩm có chất lượng và hàm lượng sáng tạo cao. Theo ông Cao Siêu Lực, Giám đốc Công ty Bánh kẹo Á Châu (ABC), DN Việt Nam phải đặt mục tiêu có sản phẩm tốt nhất, chất lượng nhất để không ngừng sáng tạo ra những sản phẩm mới có lợi cho người tiêu dùng.


“Hiện nay, tất cả nguyên liệu, máy móc, sản phẩm của ABC đều mang thương hiệu Việt Nam, đặc biệt các dây chuyền làm bánh cũng dán tem ‘Made in Vietnam’ và đồng bộ hóa công nghệ. Một trong những thành công khác của ABC là tự nghiên cứu và chế tạo ra công thức tận dụng chất dinh dưỡng từ vỏ táo và mật ong để lên men bột mì, đưa vào công nghệ làm bánh hoàn toàn Made in Vietnam”, ông Lực cho hay.


Còn Công ty Điện Quang thì tiến hành nghiên cứu, cải tiến tính năng mới cho các dòng sản phẩm đèn tiết kiệm điện. Mới đây, công ty đã tung ra thị trường hơn 100 sản phẩm mới, góp phần hoàn thiện chuỗi sản phẩm chiếu sáng và thiết bị điện an toàn, tiết kiệm. Ông Hồ Quỳnh Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Điện Quang, chia sẻ: “Một trong những tiêu chí quan trọng nhất của sản phẩm mới là giảm tối thiểu năng lượng điện để tiết kiệm nguồn năng lượng quốc gia. Bên cạnh đó, trước sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, cần mạnh dạn đầu tư cho con người, cơ sở vật chất nhằm nắm bắt và làm chủ công nghệ để không tụt hậu so với thế giới”.


Theo các chuyên gia kinh tế, quan điểm trước đây của nhiều DN là hàng tốt thì xuất khẩu, hàng bình thường, thậm chí là kém chất lượng thì bán trong nước… đã thay đổi. Nhiều DN đã xác định được vị trí, tầm quan trọng của thị trường nội địa, từ đó có chiến lược bài bản về phân phối, tiếp thị, quảng cáo… và nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm.



Lê Nghĩa - Hoàng Dương

 

Bài cuối: Hoàn thiện về thể chế

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN