Đề nghị xem xét hỗ trợ các cơ sở kinh doanh dịch vụ phải đóng cửa lâu dài vì dịch COVID-19

Trong khi các cơ sở kinh doanh dịch vụ, vui chơi, giải trí được yêu cầu tạm đóng cửa, tại một số địa phương như TP Hồ Chí Minh, Lào Cai, việc xem xét hỗ trợ nếu các cơ sở này phải đóng cửa lâu dài đã được đặt ra.

Chấp hành nghiêm việc tạm dừng hoạt động giải trí

Chú thích ảnh
Xếp ghế đóng cửa, ngưng hoạt động của các cửa hàng kinh doanh theo yêu cầu của UBND TP Hồ Chí Minh để phòng dịch COVID-19. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Ngày 14/3, UBND TP Hồ Chí Minh đã có quyết định yêu cầu tạm ngừng hoạt động các rạp chiếu phim, quán bar, quán bia, karaoke, vũ trường; quán game online; dịch vụ massage; sân khấu ca nhạc kể từ ngày 15/3 đến hết ngày 31/3.

Sau 2 ngày tạm ngưng hoạt động, đến chiều 17/3, ghi nhận tại khu vực trung tâm thành phố, hầu hết các cơ sở vui chơi giải trí, các điểm kinh doanh dịch vụ, hàng quán đã chấp hành nghiêm việc đóng cửa nhằm hạn chế tụ tập đông người, hạn chế nguy cơ bùng phát dịch COVID-19.

Khu vực phố đi bộ Bùi Viện (quận 1), vốn nổi tiếng sầm uất và nhộn nhịp do có nhiều nhà hàng, quán bia, quán bar, thu hút đông du khách trong và ngoài nước tham quan, vui chơi, giải trí. Tuy nhiên, từ chiều 15/3, tất cả các điểm kinh doanh, nhà hàng, quán bar... đã đóng cửa. Theo chủ một số cơ sở kinh doanh tại phố đi bộ Bùi Viện, đây là sự việc ngoài ý muốn nhưng họ rất đồng tình và ủng hộ việc tạm đóng cửa để phòng tránh dịch COVID-19.  

Tại rạp chiếu phim Cine Box trên đường Lý Chính Thắng (Quận 3), ông Nguyễn Văn Hùng, bảo vệ rạp cho biết, từ khi có yêu cầu tạm dừng hoạt động, lãnh đạo rạp đã đóng cửa rạp và cho tất cả các nhân viên tạm nghỉ, trừ bảo vệ.  

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ngày 17/3, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành văn bản số 1065/UBND-VX về việc tạm dừng đón khách tại các khu, điểm du lịch, di tích danh thắng và một số hoạt động tập trung đông người trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Lào Cai sẽ tạm dừng hoạt động đón khách tham quan, du lịch tại các khu, điểm du lịch, di tích danh thắng tại địa phương và tạm dừng hoạt động kinh doanh, đón khách, sử dụng dịch vụ tại các cơ sở kinh doanh quán bar, karaoke, vũ trường, xông hơi và massage, các điểm kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên địa bàn tỉnh. Thời gian tạm dừng các hoạt động trên từ 0 giờ ngày 18/3 đến hết 24 giờ ngày 31/3/2020.

UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu các cơ quan chức năng phổ biến, tuyên truyền rộng rãi đến nhân dân, du khách và các cơ sở kinh doanh dịch vụ, du lịch, các đơn vị lữ hành và nghiêm túc chấp hành chủ trương trên của tỉnh. Đồng thời, UBND tỉnh Lào Cai giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, thực hiện nội dung chỉ đạo tại các địa phương.

Lào Cai không chỉ có đường biên giới kéo dài, giao thương phát triển, mà còn là một trong những địa bàn du lịch trọng điểm của cả nước. Do đó, nguy cơ tiềm ẩn lây lan dịch bệnh COVID-19 là rất lớn.

Văn bản của UBND tỉnh Lào Cai nêu rõ, UBND thành phố Hà Nội đã xác nhận trường hợp bệnh nhân số 56 quốc tịch Anh di chuyển từ Hà Nội lên du lịch tại Sa Pa (Lào Cai) từ ngày 10 - 13/3/2020; đã phát hiện 1 trường hợp khách du lịch mang quốc tịch Litva đi trên chuyến bay QR9 có người mắc COVID-19 thứ 51 của Việt Nam, cùng 42 trường hợp du khách mang quốc tịch Pháp đi cùng chuyến bay TK162 có người mắc COVID-19 lên du lịch Lào Cai. Những trường hợp này đang được cách ly y tế tại thị xã Sa Pa. 

Ngoài ra, hiện Lào Cai còn khoảng 329 trường hợp khách du lịch là người nước ngoài đến từ 26 quốc gia khu vực Schengen đang tham quan, du lịch tại thị xã Sa Pa thuộc diện phải cách ly, giám sát y tế 14 ngày và lấy mẫu xét nghiệm theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại văn bản số 1272/BC-BCĐ về việc tổ chức cách ly người nhập cảnh phòng, chống dịch dịnh COVID-19.

Cần được xem xét hỗ trợ

Chú thích ảnh
Nhiều quán bar, beerclub ở phố đi bộ Bùi Viện (quận 1, TP Hồ Chí Minh) đóng cửa ngừng hoạt động. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Nhiều chủ cơ sở kinh doanh cho biết, việc tạm ngừng các hoạt động vui chơi, giải trí gây thiệt hại lớn về kinh tế do hoạt động kinh doanh bị đình trệ và họ buộc phải cho người lao động nghỉ việc, gây khó khăn cho cả chủ kinh doanh và người lao động. Người lao động khó khăn vì không có thu nhập trang trải cuộc sống, chủ kinh doanh bên cạnh việc thiệt hại về kinh tế, còn lo lắng các lao động sẽ không trở lại sau khi hết dịch.

Để khắc phụ tình trạng này, chị Hương chủ quán karaoke trên đường Sư Vạn Hạnh nối dài (quận 10, TP Hồ Chí Minh) cho rằng, đóng cửa trên tinh thần vì cộng đồng, chung tay chống dịch bệnh thì được nhân dân ủng hộ. Nhưng nếu ngừng dài hạn, chắc sẽ có nhiều hàng, quán, doanh nghiệp phá sản. “Vì thế, trước mắt các hàng quán, doanh nghiệp cần hỗ trợ ít tiền trước khi cho nhân viên, người lao động tạm nghỉ. Về lâu dài, đề nghị chính quyền tham gia, hỗ trợ giảm thuế, tạo điều kiện cho họ vay ngân hàng hay gia hạn nợ…”, chị Hương chia sẻ.

Theo chủ các hàng quán, doanh nghiệp, trong thời điểm này rất cần chính quyền địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ, trong đó có việc vận động chủ mặt bằng xin giảm tiền thuê cửa hàng, bởi đây là trường hợp ngoài ý muốn.

Về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh đề xuất, các doanh nghiệp bất động sản, chủ cho thuê nên thực hiện các phương thức hỗ trợ đối tác thuê mặt bằng, như giảm giá cho thuê mặt bằng, giãn tiến độ trả tiền thuê, miễn tiền thuê trong một thời gian…

Thanh Vũ - Hương Thu (TTXVN)
Nhân dân đồng tình việc đóng cửa các dịch vụ giải trí để phòng dịch COVID-19
Nhân dân đồng tình việc đóng cửa các dịch vụ giải trí để phòng dịch COVID-19

Nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan dịch COVID-19, không để bùng phát thành ổ dịch, rất nhiều tỉnh, thành phố đã yêu cầu tạm dừng hoạt động các quán bar, vũ trường, karaoke, các di tích, danh lam thắng cảnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN