Người tiêu dùng mua sắm tại Co.o mart Đinh Tiên Hoàng – TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN |
Đáng mừng hơn là xu hướng tăng trưởng trong bán lẻ và dịch vụ hàng hóa phát triển tịnh tiến, duy trì xu hướng cải thiện và tăng dần đều. Hơn nữa, giá hàng hóa không có nhiều biến động lớn, nguồn cung dồi dào và nhiều loại hàng hóa thiết yếu giảm đã giúp tăng trưởng bán lẻ và dịch vụ tăng khá. Điều này thể hiện sự tăng trưởng trong sản xuất cũng như những chính sách tốt từ vĩ mô và nỗ lực của từng doanh nghiệp.
Bắt mạch thị trường Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), thị trường trong nước mấy tháng qua liên tục chứng kiến các sản phẩm chăn nuôi gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ. Nguyên nhân này xuất phát từ việc xuất khẩu sang Trung Quốc bị ngừng trệ, cung trong nước vượt cầu, giá các sản phẩm chăn nuôi như thịt gà, trứng gia cầm theo giá thịt lợn giảm mạnh so với trước đó (khoảng 40-60%).
Trước tình hình đó, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương nhanh chóng có giải pháp hỗ trợ tiêu thụ cho các sản phẩm thịt trong nước, tích cực mở cửa thị trường, khơi thông thị trường xuất khẩu. Từ cuối tháng 5, tiêu thụ các mặt hàng này đã cải thiện, giá tăng và duy trì đến thời điểm này.
Ông Hoàng Anh Tuấn cũng đưa ra con số hơn 1,9 triệu tỷ đồng hàng hóa, lưu thông trong 6 tháng đầu năm là minh chứng rõ nét cho thấy tổng cầu của nền kinh tế là rất lớn. Nếu khơi đúng mạch bằng các chính sách cụ thể, trực tiếp, bằng các chương trình kích cầu thì không chỉ gia tăng sức mua nội địa mà còn mang lại đóng góp lớn cho tăng trưởng.
Đánh giá từ các chuyên gia thương mại, từ đầu năm đến nay, thị trường trong nước nhìn chung duy trì ổn định, sản xuất nông nghiệp thuận lợi cùng với chương trình bình ổn thị trường được nhiều địa phương triển khai tốt nên giá hàng hóa không có biến động lớn.
Chẳng hạn như mặt hàng xăng A92, sau một thời gian tăng giảm liên tục hiện xăng A92 đang có giá thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái khoảng 1.000 đồng/lít. Đây là minh chứng thể hiện sự điều hành bám sát với giá thế giới, đồng thời sử dụng linh hoạt các công cụ thuế, phí tùy từng thời điểm để giá xăng dầu không tăng quá mạnh, ảnh hưởng đến thị trường và chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Bà Phan Thị Diệu Hà, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, không chỉ riêng với thị trường nội địa, các mặt hàng xuất khẩu cũng đang đóng góp tích cực cho tiêu thụ hàng hóa trong nước. Do vậy, sau 6 tháng kim ngạch xuất khẩu cả nước đã tăng 18,9% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng rất cao và cho thấy những nỗ lực Việt Nam trong mở cửa thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu đang đi đúng hướng.
Chủ động đổi mới Thay vì mạnh tay cho kế hoạch phát triển thị trường ở nước ngoài, không ít doanh nghiệp giày, dép Việt chủ động xây dựng và chiếm lĩnh thị trường trong nước. Theo các nhà sản xuất thị trường trong nước vẫn là mảnh đất màu mỡ khi sản lượng tiêu thụ hàng năm ở mức cao.
Khách tham quan các gian hàng máy móc sản xuất giày tại Triển lãm Da và Giày Quốc Tế lần thứ 17. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN |
Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) cho biết, trung bình một năm thị trường trong nước tiêu thụ khoảng 150 triệu đôi giày, dép. Mặc dù lượng tiêu thụ khá cao song sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 40%. Trước khả năng tiêu thụ của thị trường trong nước, nhiều doanh nghiệp sản xuất chủ động bám trụ thị trường một cách bền vững đồng thời không ngừng phát triển thị trường một cách sâu, rộng.
Theo Hiệp hội Da giày Việt Nam, đầu tư đổi mới thiết bị được các thành viên trong hiệp hội chú trọng. Đến nay, ngành này xây dựng được thêm các nhà máy mới với quy mô lớn, thiết bị, công nghệ tiên tiến, góp phần nâng cao năng lực sản xuất của ngành. Hầu hết doanh nghiệp đã ứng dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO 9000, ISO 14000, SA 8000...
Bên cạnh những nỗ lực phát triển của doanh nghiệp, Hiệp hội Da giày Việt Nam cho rằng vẫn cần có chiến lược hơn nữa thông qua việc liên kết chuỗi trong thị trường nội địa. Để đi trước đón đầu cơ hội, ngành da giày Việt Nam cũng đang lên kế hoạch thành lập trung tâm nhằm hỗ trợ sự liên kết về nguyên liệu, thiết kế mẫu mã.
Các chuyên gia thương mại nhận định: Hiện nay doanh nghiệp trong nước đang nỗ lực cải tiến sản xuất để tạo ra hàng hóa phong phú về chủng loại và chất lượng ngày càng được nâng cao. Do đó, việc tiếp sức và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất hàng Việt Nam phát triển, giữ vững thị trường nội địa được các Sở, ngành xác định là nhiệm vụ quan trọng và ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên, để quảng bá thương hiệu đến tay người tiêu dùng, tìm đại lý mở rộng phân phối, góp phần tăng sức cạnh tranh sản phẩm Việt, ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Công ty ITPC cho rằng, cần triển khai nhiều hơn nữa các chương trình hội chợ, triển lãm để kết nối doanh nghiệp với người tiêu dùng, đồng thời tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các tỉnh, thành trong cả nước.
Theo ông Trần Quang Minh, đại diện Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang, đơn vị này đã có nhà phân phối lớn tại tỉnh Bến Tre và các sản phẩm của công ty hiện có mặt ở hầu hết các điểm bán lẻ đồ điện trong tỉnh. Việc bắt tay hợp tác để hình thành chuỗi giá trị đang được các doanh nghiệp sản xuất và các nhà phân phối xem như giải pháp hữu hiệu nhằm thúc đẩy việc tiêu thụ hàng hóa trong nước.
Nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa tại thị trường nội địa, ông Nguyễn Anh Đức, Phó tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, chuỗi siêu thị Co.op Mart cũng có nhiều thay đổi trong quy định và quy trình tiếp nhận, mua hàng nhằm ủng hộ các doanh nghiệp trong nội khối.
Việc liên kết để cùng chia sẻ các vị trí đẹp tại các siêu thị, hay trong việc vận chuyển, quản trị hàng hóa và chất lượng cũng sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm nhiều chi phí. Hơn nữa, hoạt động liên kết này cần sự điều phối, hỗ trợ của các hiệp hội doanh nghiệp và không nên quá lo lắng trước áp lực hàng ngoại. Nếu thực hành tốt những điểm này, ông Nguyễn Anh Đức tin rằng những nhà bán lẻ thuần Việt sẽ có thể đồng hành, phát triển với doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt.
Các chuyên gia thương mại dự báo, diễn biến thị trường năm 2017 sẽ ít có biến động bất thường, các yếu tố về nguồn cung vẫn được bảo đảm, giá có tăng do giá thế giới, tỷ giá, chi phí nhiên liệu tăng... nhưng sẽ được kiểm soát từ phía nhà nước. Cùng với đó, yếu tố từ phía cầu như thu nhập, niềm tin của người tiêu dùng cũng khả quan nhưng không tăng mạnh. Bộ Công Thương dự kiến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tăng khoảng 10-11% so với năm 2016.
Nhận định về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, từ nay đến cuối năm, ngành công thương sẽ đẩy mạnh triển khai các chương trình xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy tiêu thụ và sức mua trên thị trường. Cùng đó, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội địa, thị trường miền núi, hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, đưa hàng hóa về nông thôn, vùng biên giới, hải đảo.
Để tạo thêm lực đẩy cho các doanh nghiệp, Bộ Công Thương cũng sẽ triển khai thực hiện tốt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc Vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2016 – 2020. Mặt khác, đẩy nhanh thực hiện Đề án Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến 2020 và Chương trình Xúc tiến thương mại trong nước.