Điện một giá, người dùng ít điện sẽ chịu thiệt
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, Bộ đang đẩy nhanh việc hoàn thiện sửa biểu giá điện bậc thang để trình Chính phủ. Bên cạnh phương án 5 bậc thang được trình, Bộ cũng tính thêm phương án một giá để người dân lựa chọn.
Theo đó, nếu được áp dụng sẽ có song song 2 biểu giá bán lẻ, người dân có thể chọn dùng điện đồng giá hoặc phương án bậc thang. Tuy nhiên, nếu chọn một giá thì đương nhiên không thể thấp hơn giá điện bình quân hiện đang áp dụng là 1.864,44 đồng/kWh.
Về vấn đề này, PGS. TS Bùi Xuân Hồi, Giảng viên cao cấp Bộ môn Kinh tế năng lượng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, phương án điện một giá có thể đơn giản trong áp dụng, hạn chế sai sót trong đo đếm nhưng các mục tiêu khác như chính sách xã hội, phản ánh chi phí cung ứng đặc biệt là với sản phẩm điện năng , mục tiêu tiết kiệm năng lượng thì khó đạt được.
PGS.TS Bùi Xuân Hồi phân tích thêm, nếu Chính phủ đồng ý tồn tại 2 phương án song song là điện bậc thang và điện một giá để người dân lựa chọn thì dễ dàng nhận thấy các hộ sử dụng ít điện sẽ lựa chọn phương án giá điện bậc thang để hưởng mức giá thấp còn hộ dùng nhiều tiền điện sẽ sử dụng phương án 1 giá để tránh việc giá điện bậc thang làm tăng mức tiền phải đóng.
Tuy vậy, từ mức sản lượng nào trở lên lựa chọn phương án 1 giá sẽ tốt cho người tiêu dùng thì hoàn toàn phụ thuộc vào mức đồng giá được xây dựng, mức đồng giá càng cao thì sản lượng điện tiêu dùng càng lớn mà lựa chọn 1 giá mới hiệu quả.
“Ngược lại, nếu đưa ra 2 loại biểu giá bậc thang và một giá, cả người tiêu dùng ít điện cũng có lợi, người dùng nhiều điện cũng có lợi thì chắc chắn rằng sẽ có những vấn đề rất lớn đến cân bằng tài chính cho EVN, vì vậy nguyên lý đồng giá tuy đơn giản nhưng là mức bao nhiêu và cơ chế áp dụng như thế nào là vấn đề mà Bộ cần nghiên cứu kỹ lưỡng để hài hòa lợi ích người tiêu dùng cũng như cân bằng tài chính cho EVN”, PGS.TS Bùi Xuân Hồi phân tích.
Còn theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, xét về mặt kinh tế, điện một giá trong điều kiện nguồn lực khan hiếm, cung không đủ cầu... sẽ khó tạo ra áp lực mạnh để thực hiện tốt chính sách khuyến khích tiêu dùng điện tiết kiệm, hiệu quả và cũng sẽ không thực hiện được chính sách an sinh xã hội đối với các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách theo quy định của Luật điện lực.
Đặc biệt là khi thực hiện một giá sẽ phải kéo các mức giá hiện ở các bậc thang có giá thấp hơn giá bình quân tăng lên bằng mức giá bình quân, đồng thời cũng phải kéo các mức giá có giá cao hơn giá bình quân xuống bằng mức giá bình quân.
Như vậy, sẽ có khoảng 18,6 triệu hộ (chiếm 73,5% tổng số hộ dùng điện sinh hoạt), tiêu thụ 200kWh/tháng trở xuống (với sản lượng điện tiêu thụ chiếm 42,3% tổng lượng điện tiêu thụ) sẽ phải trả tiền điện tăng thêm từ 1,98-13% (từ 7.400 đồng - 19.000 đồng /hộ/tháng - giá chưa tính VAT) so với trả tiền điện theo giá bậc thang.
Ngược lại, có 6,75 triệu hộ còn lại (chiếm 26,6% tổng số hộ dùng điện, tiêu thụ 57,6% tổng sản lượng điện) sử dụng từ 201 kWh/ tháng trở lên sẽ được giảm tiền điện từ 0,8 - 28,79% (từ 56.500 đồng - 767.200 đồng trong dãy từ 201-1.000kWh/hộ/tháng).
Cần tính toán kỹ lưỡng
Tại thời điểm lấy ý kiến các phương án điện trình Chính phủ, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, điện là hàng hóa đặc biệt, quá trình sản xuất, truyền tải và phân phối diễn ra đồng thời, hầu hết các nước trên thế giới đều áp dụng giá điện bậc thang cho giá điện sinh hoạt nhằm làm sao phù hợp đặc điểm của điện là hàng hóa đặc biệt và khuyến khích người dùng tiết kiệm điện.
Trong 5 phương án Bộ Công Thương đưa ra thì có phương án 1 bậc, tức là khách hàng chỉ sử dụng một giá điện duy nhất ưu điểm là đơn giản và người dân dễ theo dõi, áp dụng nhưng nhược điểm là không khuyến khích người dân tiết kiệm điện.
“Quan trọng là đối tượng khách hàng sử dụng điện dưới 200kwh tập trung vào người lao động, công ăn lượng, đối tượng chính sách sẽ phải trả số tiền cao hơn. Ngân sách nhà nước đang hỗ trợ cho người nghèo, hộ chính sách sẽ phải bỏ ra số tiền lớn để bù vào số tiền này”, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết.
Băn khoăn về đề xuất điện một giá, PGS.TS Bùi Xuân Hồi cho biết, nếu quyết tâm thực hiện phương án này thì Bộ Công Thương phải nghiên cứu xây dựng biểu giá hoàn toàn mới chứ không phải dựa vào biểu giá sẵn có, vì vậy ngoài mức giá đề xuất là bao nhiêu thì đi kèm với nó phải là hành lang pháp lý liên quan đến thực hiện.
“Cần hành lang pháp lý đầy đủ để tránh những vướng mắc trong thực hiện. Hành lang pháp lý quyết định sự linh hoạt lựa chọn của người tiêu dùng nên Bộ cần đưa ra kịch bản thực hiện hài hòa”, PGS.TS Bùi Xuân Hồi cho biết.
Chia sẻ kinh nghiệm của các nước, PGS.TS Bùi Xuân Hồi cho biết, nhiều nước cũng mở rộng các phương án cho người dân lựa chọn nhưng đều dựa trên nguyên tắc là phản ánh chi phí cung ứng, không hoặc ít bù chéo. Vì thế sự khác biệt lớn nhất giữa giá điện Việt Nam và giá điện thế giới là đến thời điểm hiện nay là ở Việt Nam chỉ có giá điện một thành phần cho điện năng tiêu dùng, trong khi hầu hết các nước cơ cấu giá của họ dù là hộ tiêu dùng nào cũng gồm cơ cấu 2 thành phần: trả cho công suất đăng ký và phần trả cho điện năng tiêu dùng.
“Phương án giá điện bậc thang song song một giá thì không cùng cách tiếp cận với các nước, ý tưởng này được đưa ra có lẽ phần nhiều do những khó khăn bất cập trong quá trình triển khai giá điện bậc thang vào mùa hè và nhiều năm nay chúng ta đều gặp phải. Những đặc trưng cơ bản khác biệt của ngành điện và sản phẩm điện năng thì giá điện một giá thực chất là sự cào bằng chi phí, đây là phương án rất ít được lựa chọn khi không đạt được các mục tiêu như phản ánh chi phí cung ứng hay sử dụng hiệu quả, tiết kiệm điện năng, ngoại trừ việc sử dụng đơn giản và dễ hiểu”, PGS.TS Bùi Xuân Hồi nhận định.
Ông Hồi cũng lưu ý, Bộ Công Thương cần tính toán cụ thể, nếu chỉ thực hiện phương án một giá điện thì có tới 80% hộ dùng điện hiện nay phải trả giá cao hơn so với áp dụng giá bậc thang .
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, mức độ điện sử dụng bình quân của người dân theo thống kê của EVN đang tăng lên. Năm 2016, bình quân mức dùng điện của hộ tiêu dùng sinh hoạt là 156 kWh một tháng, hiện tăng lên 189 kWh.
Do đó, đại diện EVN cho rằng, vẫn nên duy trì biểu giá điện bậc thang, vì nhiều nước phát triển trên thế giới đang áp dụng theo hình thức này bởi mục tiêu rõ ràng trong tiết kiệm điện, và người sử dụng ít điện được dùng giá thấp hơn. Ngay tại các nước phát triển như Mỹ, Nhật... vẫn duy trì chính sách giá bậc thang để khuyến khích người dân dùng tiết kiệm năng lượng.
Đại diện EVN cho rằng, cơ quan quản lý sẽ tính toán để đưa ra phương án hợp lý trên cơ sở giá điện bình quân, và dù với phương án nào, hệ thống kỹ thuật của tập đoàn đều đáp ứng và hỗ trợ. Quyết định cuối cùng của cấp có thẩm quyền ra sao, EVN sẽ tuân thủ.
Trong khi đó, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh cho rằng, phương án một giá điện là khó khả thi với cơ cấu nguồn điện đang thiếu hiện nay ở Việt Nam.
Theo chuyên gia này, giá điện đầu ra được tính toán dựa trên cơ sở giá đầu vào và các chi phí vận hành, quản lý hệ thống. Chính phủ đang khống chế giá đầu ra để đảm bảo an sinh xã hội và các mục tiêu phát triển kinh tế. Và như vậy, một giá điện sẽ khó giúp ngành điện phát triển bền vững, đảm bảo các mục tiêu an sinh xã hội.