Đáng chú ý, trong dự thảo mới đây, Bộ Công Thương đề xuất Nhà nước không điều hành giá mà công bố giá thế giới bình quân 15 ngày và một số chi phí cố định (tỷ giá ngoại tệ, chi phí kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp, các loại thuế, phí); từ đó, các doanh nghiệp đầu mối sẽ công bố giá bán xăng dầu trên thị trường. Mức giá bán do thương nhân đầu mối công bố sẽ không được vượt qua giá tối đa (giá trần). Mức giá trần này doanh nghiệp đầu mối sẽ tự tính dựa trên công thức cố định. Mặc dù vậy, xung quanh đề xuất này cũng còn có những ý kiến bày tỏ sự băn khoăn từ các chuyên gia và doanh nghiệp.
Còn nhiều băn khoăn
Theo chia sẻ của đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), việc đề xuất nội dung mới về kinh doanh xăng dầu thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng. Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị liên quan xây dựng dự thảo Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu.
Theo đó, với cơ chế giá xăng dầu được đề xuất, dự thảo tiến gần hơn với cơ chế thị trường, Nhà nước ban hành nguyên tắc công thức tính giá để thương nhân xăng dầu quyết định giá bán. Giá này không cao hơn công thức giá quy định.
Tuy vậy, đề xuất trên vấp phải băn khoăn của các chuyên gia và doanh nghiệp. Theo ý kiến từ chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa, cách thức tính và công bố giá như đề xuất vẫn tạo thói quen bán sát giá trần của doanh nghiệp. Vì vậy, cần làm rõ thêm quy định giá trần này ở nghị định mới. Đặc biệt là những chế tài kiểm soát để tháo hết nút thắt, dứt khoát áp dụng nguyên tắc giá thị trường đối với kinh doanh xăng dầu.
Nói cách khác, cần đổi mới căn bản và thực chất việc giao quyền định giá, thỏa thuận về giá và cạnh tranh về giá theo tín hiệu khách quan của thị trường cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu (bao gồm tất cả các khâu giá từ giá mua trong nước, giá mua thế giới, giá bán buôn, giá bán lẻ).
Đại diện một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu khu vực phía Bắc cho hay, thị trường bán lẻ xăng dầu đang được thống trị bởi các doanh nghiệp lớn. Các doanh nghiệp này nắm thị phần lớn, tới hơn 70%, thì khi trao quyền quyết định giá bán sẽ gây nhiều lo ngại.
Vị này cũng cho hay, có thể thấy như thời điểm năm 2022, đứt gãy chuỗi cung ứng, khan hiếm xăng dầu có một phần nguyên nhân xuất phát từ việc một số doanh nghiệp đầu mối được trao quá nhiều quyền.
Trao đổi về vấn đề này, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cũng cho rằng, đa số hệ thống kinh doanh xăng dầu nằm trong tay nhóm các doanh nghiệp lớn, chiếm thị phần lớn về bán lẻ, chuỗi kinh doanh và lợi nhuận. Vì vậy, nếu trao quyền cho doanh nghiệp thì cần phải gắn trách nhiệm, buộc họ làm đúng, đủ, có lợi cho xã hội.
Trao quyền nhưng cần kiểm soát
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, nếu trao quyền cho doanh nghiệp tự quyết định giá và công bố giá bán, cần phải đi kèm với cơ chế kiểm soát chặt chẽ bởi nếu không sẽ dễ xảy ra tình trạng độc quyền, giữ giá cao mà không giảm, hoặc chỉ giảm nhẹ. Điều này sẽ gây bất lợi cho người tiêu dùng và cũng không tạo sự cạnh tranh trên thị trường.
Theo chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa, cần phải có cơ chế kiểm soát sản lượng cung ứng, chi phí sản xuất lưu thông, hậu kiểm, cơ cấu hình thành giá nhằm ngăn chặn các hành vi lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường định giá và cung ứng sản lượng bất hợp lý, gây phương hại đến lợi ích của nhà nước và người tiêu dùng.
Nhà nước vẫn có thể thông báo giá cơ sở, nhưng đó chỉ được coi là một kênh thông tin, là tín hiệu để định hướng thị trường và là tín hiệu để nhà nước điều hòa cung cầu, để thực hiện các biện pháp bình ổn giá khi thị trường có biến động bất thường.
Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, dự thảo có nhiều nội dung, tác động theo cách đổi mới, đảm bảo mục tiêu cuối cùng là cân đối cung - cầu, đảm bảo an ninh năng lượng. Bên cạnh đó, việc điều hành sẽ phải tiệm cận thị trường nhưng có điều tiết của cơ quan nhà nước và tái cơ cấu hệ thống thương nhân kinh doanh xăng dầu.