Theo đó, Bộ Giao thông vận tải giao Ban quản lý dự án 7 tổ chức lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư/Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư mở rộng đường bộ cao tốc đoạn TP Hồ Chí Minh - Trung Lương.
Kinh phí lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư/Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án được thanh toán theo nhiệm vụ, dự toán được duyệt và kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư hàng năm; thời gian thực hiện từ năm 2023 - 2025.
Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Ban Quản lý dự án 7 làm việc với Cục Đường bộ Việt Nam, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận và các cơ quan liên quan để tiếp nhận hồ sơ, tài liệu giai đoạn 1 của dự án, các kết quả nghiên cứu trước đây (nếu có); tận dụng tối đa các dữ liệu đã có trong quá trình nghiên cứu, lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư/Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Cục Đường bộ Việt Nam và Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp các hồ sơ, tài liệu có liên quan cho Ban Quản lý dự án 7 để triển khai thực hiện.
Dự án cao tốc TP Hồ Chí Minh-Trung Lương có chiều dài toàn tuyến 61,9 km; trong đó tuyến chính cao tốc dài 39,8 km, các tuyến đường nối, đường dẫn dài 22,1 km, được khởi công xây dựng vào tháng 12/2004, hoàn thành và đưa vào khai thác vào tháng 2/2010.
Cao tốc TP Hồ Chí Minh-Trung Lương có 4 làn xe, tốc độ thiết kế 120 km/h và 2 làn khẩn cấp, cứu hộ, bắt đầu thu phí từ năm 2011 và đến cuối năm 2018 thì chấm dứt thu phí do hết hạn hợp đồng bản quyền thu phí.
Tuyến cao tốc này hiện do Cục Quản lý đường bộ IV (Tổng cục Đường bộ, Bộ Giao thông vận tải) quản lý (nay là Khu Quản lý đường bộ IV, Cục Đường bộ Việt Nam). Sau khi dừng thu phí, từ đầu năm 2019 lượng xe trên tuyến cao tốc này tăng đột biến.
Theo thống kê, lúc cao điểm có trên 51.000 xe/ngày đêm, dẫn đến mặt đường bị hư hỏng. Tình trạng xe chạy vào làn khẩn cấp do ùn ứ, người dân phá rào vào cao tốc bắt xe… diễn ra thường xuyên.